Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư), Ngữ văn lớp 7 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn ngữ văn 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Sau khi đọc
1. Gió chướng được tác giả miêu tả qua những chi tiết, hình ảnh nào?
Gió chướng được miêu tả qua những chi tiết, hình ảnh:
+ Thời gian xuất hiện: Gió chướng xuất hiện vào tháng Chín “Nên vừa bước qua tháng Chín, tôi bắt đầu dời chiếc chuông gió sang cửa sổ phía đông”
+ Hơi thở của gió: “Để rồi một sớm mai, bỗng nghe hơi thở của gió rất gần”.
+ m thanh của gió: “Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoáng e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không.”
+ Tâm trạng của gió “Rồi nó mừng húm khi nhận ra tôi chẳng quên nó bao giờ”.
+ Tính cách của gió: “Cái chuông gió với những âm thanh mỏng manh trở thành thứ đồ chơi lãng nhách, chẳng thể hiện nổi sự hừng hực, dạt dào của nó – bây giờ lớn thành một dòng gió, xấp xãi, cuống quýt xốc vào tấm tôn bên chái đông đã bị đứt đinh từ mùa trước.”, “Cồn cào. Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng”.
Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư), Ngữ văn lớp 7 – Kết nối tri thức với cuộc sống
2. Hãy chỉ ra những biểu hiện của tâm trạng “lộn xộn, ngổn ngang” ở nhân vật “tôi” khi gió chướng về. Theo em, lí do nào khiến nhân vật “tôi” luôn mong ngóng, chờ đợi gió chướng?
a. Những biểu hiện của tâm trạng “lộn xộn, ngổn ngang” ở nhân vật “tôi” khi gió chướng về là:
– Vừa mừng lại vừa bực: “Mừng đó rồi bực đó”.
– Mong gió về nhưng khi gió về lại buồn vì gió về có nghĩa là sắp hết năm: “Sao tôi lại chờ đợi nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm đìa tôi cũng buồn, buồn muốn chết”.
– Nghĩ rằng mỗi lần gió về sắp hết năm mình sẽ già đi một tuổi: “Trời ơi, gió tầm này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy…”.
– Cảm thấy thời gian trôi nhanh: “Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống.
b. Nhân vật tôi luôn mong ngóng, chờ đợi gió chướng vì:
– Khi gió chướng về cũng là khi Tết đến, được mua sắm quần áo mới: “Khi gió bắt đầu hiu hiu se lạnh, đám con nít nhảy cà tưng, háo hức vỗ tay cười, vậy là gần được mua sắm quần áo, dép mới rồi (nhà nghèo, cả năm chỉ được dịp nầy chứ mấy), “Gió chướng (và gió bấc) với tôi là gió Tết, dù từ khi bắt đầu mùa gió đến Tết, mất gần ba tháng ròng”.
– Gió chướng gắn liền với mùa thu hoạch: “Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hi vọng rực lên theo màu lúa.”, “Đáng chờ đợi lắm vì mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch”.
– Gió chướng gắn liền với quê hương: “Tôi vẫn thường hình dung, một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ “gió chướng”, ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà”.
3. Vì sao tác giả khẳng định “mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch”?
Tác giả khẳng định “mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch” vì:
– Gió chướng vào mùa thì lúa vừa chín tới “Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hi vọng rực lên theo màu lúa”.
– Mùi rơm thơm theo gió đi khắp không gian: “Mùi rơm thơm ràn rụa thổi ngang đồng”
– Trái cây đợi gió mới chín: “Liếp mía đặt hồi tháng Hai, tháng Ba, đợi gió mới chịu già, nước ngọt và nặng trĩu, cầm khúc mía trên tay, nghe nặng trịch. Vú sữa chín cây lúc lỉu, căng bóng, […] nửa đêm đợi ăn rớt lịch bịch ngoài hè. Còn dưa hấu, ui chao…”
4. Câu văn cuối cùng của văn bản gợi cho em những suy nghĩ gì?
Câu văn cuối “Ở đó, siêu thị chất đầy những dưa hấu, dưa kiệu, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, liệu ở đó, có ai bán một mùa gió cho tôi?” gợi cho em thấy được nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả. Dù ở nơi xa có đầy đủ những thức quà quê: dưa hấu, dưa kiệu, dưa hành, bánh chưng, bánh tét trong siêu thị, tác giả vẫn thấy thiếu mùa gió chướng. Thiếu mùa gió chướng tức là thiếu đi hương vị của quê hương.
5. Nêu cảm nhận của em về tình cảm, cảm xúc của tác giả được thể hiện trong văn bản.
Văn bản “Trở gió” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đem đến cho em những cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương bình dị, thiết tha của tác giả dành cho quê hương xứ sở. Gió chướng xuất hiện báo hiệu Tết sắp đến, cũng là lúc tới mùa mùa thu hoạch. Khi gió chướng ùa về, tác giả đã có nhiều cung bậc cảm xúc: từ tâm trạng từ lộn xộn, ngổn ngang rồi tới mừng, sợ, tiếc nuối nhưng lại mong nhớ: “Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang.”, “Mừng đó rồi bực đó”, “buồn muốn chết”, “Trời ơi, gió nầy là sắp hết năm, sắp già thêm một tuổi, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy…”, “Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về”. Qua những cung bậc cảm xúc của tác giả, ta thấy được tình yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó với quê hương ghi dấu trong trái tim nhà văn.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-tro-gio-nguyen-ngoc-tu-ngu-van-lop-7-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-70985n.aspx Văn bản Trở gió đã cho ta thấy được tình yêu tha thiết và sự gắn bó keo sơn của nhà văn đối với quê hương. Đừng quên trên Taimienphi.vn vẫn thường xuyên cập nhật những bài soạn chất lượng và văn mẫu lớp 7 hay nhất để gửi tới các em!- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 47, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống– Soạn bài Tập làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống