Phân tích 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật hay nhất
Đề bài: Phân tích 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Cảm nhận 3 khổ thơ cuối bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật siêu hay ngắn gọn
I. Dàn ý Phân tích 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:+ Phạm Tiến Duật là nhà thơ thuộc thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ+ Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của ông là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là 3 khổ cuối.
2. Thân bài:
a. Khái quát chung về tác phẩm, 3 khổ cuối:– Bài thơ được sáng tác năm 1969, in trong tập Vầng trăng quầng lửa của nhà thơ.- Bài thơ khắc hoạ hình ảnh những người lính lái xe trên đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.- Ba khổ cuối: khắc hoạ hình ảnh người lính lái xe với tình đồng chí, đồng đội thắm thiết cùng ý chí, quyết tâm chiến đấu vì miền Nam.
b. Phân tích:
* Khổ 5, 6: Tình đồng chí, đồng đội của những người lính lái xe:– Hình ảnh “những chiếc xe từ trong bom rơi”: gợi lên sự khốc liệt của chiến tranh cũng như sự gan góc, dũng cảm của những người lính.- Trải qua quãng đường dài, những người lính tụ họp cùng nhau thành “tiểu đội”, vui vẻ, quây quần.- Tình đồng chí, đồng đội được xây dựng lên từ những lần tụ họp như thế, từ những cái “bắt tay” nhau vội vã qua “cửa kính vỡ rồi”. (So sánh với thơ Chính Hữu).- Tình cảm đồng chí đồng đội còn được xây dựng qua những phút giây nghỉ ngơi ngắn ngủi, cùng nhau quây quần bên “bếp Hoàng Cầm”, ngủ trên “võng mắc chông chênh”.- Phạm Tiến Duật đã chỉ ra khái niệm gia đình thật đơn giản “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”: tình đồng chí đồng đội gắn bó keo sơn như anh em trong nhà.
– Câu thơ cuối “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”:+ “Lại đi, lại đi”: một hành động được lặp lại vô số lần.+ “Trời xanh”: hình ảnh ẩn dụ cho bầu trời của hoà bình, tự do.+ Những người lính tiến cứ đều đặn lái xe về phía trước, với ý chí quyết tâm giành lại tự do, hoà bình cho dân tộc.
* Khổ cuối: Ý chí và quyết tâm chiến đấu vì miền Nam:– Những thiếu thốn vật chất càng tăng thêm so với khổ 1: “không có kính”, “không có đèn”, “không có mui xe”, “thùng xe có xước”.- Vậy nhưng những người lính lái xe vẫn vượt qua mọi khó khăn để tiến về phía trước vì miền Nam vì “trong xe có một trái tim”.- Hình ảnh “trái tim”: hình ảnh hoán dụ, tượng trưng cho những người lính lái xe.- Hai từ “chỉ cần” ở đầu câu thơ cuối cho thấy thái độ ngang tàng, hiên ngang của những người lính lái xe.- Nhịp thơ ở đây cũng dồn dập hơn, gấp gáp hơn, như nhịp hành quân vội vã.- Câu thơ cuối là câu thơ đẹp nhất của bài thơ, thể hiện ý chí, sự quyết tâm của những người lính lái xe Trường Sơn.
c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:– Nội dung: ba khổ cuối là những câu thơ về tình cảm đồng chí đồng đội thắm thiết, nghĩa tình của những người lính lái xe cùng ý chí quyết tâm chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.
– Nghệ thuật:+ Chất liệu hiện thực cùng giọng thơ khỏe khoắn, vui tươi.+ Nhịp thơ biến đổi linh hoạt+ Các biện pháp ẩn dụ, hoán dụ được sử dụng rất thành công.
3. Kết bài:
Khẳng định lại giá trị của bài thơ và 3 khổ cuối bài thơ.
II. Đoạn văn Phân tích 3 khổ thơ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn, hay nhất:
Hình ảnh những người lính lái xe đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật tái hiện rõ nét trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Ở ba khổ thơ cuối, tác giả đã làm nổi bật tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn và tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính. Hình ảnh “chiếc xe từ trong bom rơi” cho chúng ta cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh. Dưới làn mưa bom bão đạn, những chiếc xe ngày một trở nên méo mó, không còn nguyên vẹn. Nhưng những người lính vẫn vững chắc tay lái tiến về phía trước. Họ gặp nhau suốt dọc đường, trao cho nhau cái “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Đó là hành động chứa chan yêu thương của những người đồng chí cùng chung mục đích. Sang đến khổ thơ thứ sáu, tác giả đã gợi lên những phút giây nghỉ ngơi ngắn ngủi của người lính. Sau đó họ lại tiếp tục lên đường để hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Lại đi, lại đi” nhấn mạnh hành trình liên tục, không ngừng nghỉ của người lính lái xe. Hình ảnh “trời xanh thêm” thể hiện niềm hi vọng vào một ngày chiến thắng kẻ thù của người lính lái xe. Ở khổ thơ cuối, một lần nữa tác giả nhấn mạnh sự thiếu thốn của những chiếc xe. Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê kết hợp với điệp từ “không” nhà thơ đã gợi ra hình ảnh chiếc xe méo mó, không còn nguyên vẹn. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng người lính lái xe vẫn băng băng tiến về phía trước. Bởi lẽ, họ có một “trái tim” yêu nước tha thiết. Bằng giọng điệu thơ sôi nổi, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh những người lính lái xe kiên cường với lòng yêu nước tha thiết.
III. Bài văn mẫu Phân tích 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất (Chuẩn)
1. Bài văn phân tích Nội dung khổ thơ cuối bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn – Mẫu 1
Phạm Tiến Duật là nhà thơ thuộc thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các tác phẩm của ông đa phần đều viết về hình tượng của người lính và những người con gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của ông là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đặc biệt là ba khổ cuối của bài thơ.
Thi phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969 nằm trong tập Vầng trăng quầng lửa của ông. Với giọng điệu sôi nổi, tươi trẻ cùng hình tượng độc đáo, bài thơ đã khắc họa sống động hình ảnh của những người lính lái xe trên đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Họ là những chàng thanh niên trẻ tràn trề nhựa sống, luôn hiên ngang, lạc quan, dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn, hướng một lòng về miền Nam yêu quý. Ba khổ thơ cuối của bài thơ đã khắc họa rất thành công hình ảnh của những người lính lái xe với tình đồng chí đồng đội thắm thiết cùng tình thần, ý chí quyết tâm vì miền Nam ruột thịt.
Sau những chặng đường đầy gian khổ với những trận mưa bom, bão đạn, bụi đất, mưa tuôn “xối như ngoài trời”, những người lính lái xe được trở về trong phút giây bình yên hiếm hoi giữa nơi chiến trường khói lửa này. Và trong những giây phút đó, tinh thần đồng chí đồng đội của họ hiện lên rạng ngời hơn bao giờ hết:
“Những chiếc xe từ trong bom rơiĐã về đây họp thành tiểu độiGặp bè bạn suốt dọc đường đi tớiBắt tay qua cửa kính vỡ rồiBếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trờiChung bát đũa nghĩa là gia đình đấyVõng mắc chông chênh đường xe chạyLại đi, lại đi trời xanh thêm”
Hình ảnh “những chiếc xe từ trong bom rơi” đã gợi lên cho chúng ta thấy không chỉ là sự khốc liệt của chiến tranh mà còn là sự gan góc, kiên cường của những người lính lái xe. Trải qua quãng đường dài với những “bom giật bom rung”, những chiếc xe của những người lính lái xe giờ đây quây quần bên nhau thành một “tiểu đội”. Những cái “bắt tay” vội vã “qua cửa kính vỡ rồi” đã thể hiện được tình đồng đội, đồng chí thắm thiết, gần gũi. Cái bắt tay không chỉ là lời chào hỏi mà còn là sự sẻ chia, lời động viên lẫn nhau của những người lính.
Không chỉ sẻ chia những khó khăn trong công việc, những người lính lái xe còn cùng nhau những khó khăn, ngọt bùi trong cuộc sống sinh hoạt:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trờiChung bát đũa nghĩa là gia đình đấyVõng mắc chông chênh đường xe chạyLại đi, lại đi trời xanh thêm”
Bếp Hoàng Cầm là loại dã chiến được sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Bếp Hoàng Cầm xuất hiện trong khổ thơ không chỉ gợi liên tưởng đến những giờ giải lao hiếm hoi, những bữa ăn chớp nhoáng của người lính lái xe mà còn là “phương tiện” gắn kết tình cảm đồng đội, đồng chí giữa những người lính. Họ quây quần bên nhau, cùng chung bát đũa, thân thiết giống như những người thân trong gia đình. Chính tình cảm chân thành của tình đồng chí đồng đội, tinh thần yêu nước đã trở thành nguồn động lực, sức mạnh to lớn để những người lính vượt qua những khó khăn của bom đạn và chiến thắng trước kẻ thù.
Sau những giờ nghỉ ngơi ít ỏi, cùng giấc ngủ chớp nhoáng trên những chiếc võng “mắc chông chênh trên đường xe chạy”, những người lính lại tiếp tục cuộc hành trình chi viện cho miền Nam ruột thịt:
“Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
“Lại đi, lại đi” gợi liên tưởng đến những chiếc xe không biết mệt mỏi, xuyên rừng, xuyên núi, vượt mưa bom bão đạn để về với miền Nam, cùng với đó là tinh thần mạnh mẽ, kiên cường, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh của những người lính lái xe. Hình ảnh “trời xanh” là một nét vẽ, một ẩn dụ vô cùng đẹp đẽ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bầu trời xanh ấy không chỉ tượng trưng cho sự sống mà còn là màu của tự do, hoà bình và độc lập. Những người lính lái xe dành hết mọi sức lực để tiến về phía “trời xanh” ấy, họ chiến đấu để giành lại bầu “trời xanh” hoà bình cho dân tộc Việt Nam.
Hai khổ thơ 5 và 6 đã cho chúng ta thấy được tình cảm đồng chí đồng đội hết sức gắn bó, chân thành của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Họ chỉ là những con người xa lạ, gặp nhau, bắt tay nhau trong tiếng cười qua ô cửa kính xe đã vỡ nhưng chỉ từng đó cũng đủ để tạo cho họ một tình cảm sâu sắc, thiêng liêng mà không phải ai cũng có được!
Trong khổ thơ cuối cùng, hình ảnh những chiếc xe không kính lại một lần nữa xuất hiện. Nếu như ở khổ thơ đầu tiên, nhà thơ chỉ nêu ra hình ảnh của những chiếc xe thiếu kính vì “bom giật bom rung”, thì ở khố cuối này, sự thiếu thốn ấy lại càng gia tăng gấp bội:
“Không có kính rồi xe không có đènKhông có mui xe, thùng xe có xướcXe vẫn chạy vì miền Nam phía trướcChỉ cần trong xe có một trái tim”
Những chiếc xe vốn đã méo mó, thiếu thốn nay càng trở nên biến dạng hơn dưới sức hủy diệt của bom đạn kẻ thù. Xe không kính, không đèn, không mui, thùng xe có xước gợi ra cái ác liệt của cuộc chiến tranh, qua đó còn làm nổi bật lên tinh thần hiên ngang, dũng cảm của những người lính lái xe. Dẫu xe có bị tàn phá đến biến dạng, hoạt động lái xe cũng gặp muôn vàn những khó khăn, thế nhưng những người lính vẫn giữ vững một niềm tin “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Hai từ “chỉ cần” ở đầu câu thơ cho thấy một thái độ ngang tàng, hiên ngang của những người lính. Những chiếc xe kia có biến dạng ra sao thì chỉ cần một người lính với trái tim nhiệt huyết thì nó vẫn sẽ tiến lên, hướng về miền Nam thân yêu. Nhịp thơ ở đây đột nhiên dồn dập, gấp gáp lạ thường, bởi vì nó chứa đựng sự sôi sục, ý chí của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Có lẽ đây là câu thơ hay nhất của cả bài thơ. Nó đã làm nổi bật lên hình tượng, ý chí và lòng quyết tâm chiến đấu của những người lính lái xe Trường Sơn trong những năm tháng ấy.
Với chất liệu hiện thực cùng một giọng thơ tươi vui, tự nhiên, khoẻ khoắn, bài thơ đã khắc hoạ vô cùng thành công hình ảnh của những người lính lái xe ngàng tàng mà trẻ trung, lạc quan, yêu đời. Nhịp thơ biến hoá linh hoạt, lúc nhanh, dồn dập, khi lại chậm rãi, yên bình, phù hợp với nhịp tiến hành quân của đoàn xe “không kính”. Những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ cũng góp phần khắc hoạ thành công hình tượng của những người lái xe Trường Sơn năm xưa.
2. Bài văn Phân tích 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính siêu hay của HSG – Mẫu 2
2.1. Dàn ý: Phân tích 3 khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
2.1.1. Mở bài:– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.- Khái quát nội dung 3 khổ cuối. 2.1.2. Thân bài: a) Khổ 5:– “Những chiếc xe từ trong bom rơi”: Bom đạn của kẻ thù đã in hằn dấu vết trên những chiếc xe. – Họ gặp gỡ nhau trên những chặng đường và họp thành “tiểu đội”.- “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”: Hành động thể hiện tình đồng đội, đồng chí. b) Khổ 6: – “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời”: Phút giây nghỉ ngơi ngắn ngủi của người lính. – “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”: Tình cảm gắn bó thân thiết.- “Võng mắc chông chênh đường xe chạy”: Nhấn mạnh những giấc ngủ ngắn, tạm bợ trong rừng.- “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”: Tinh thần sẵn sàng, luôn tiến về phía trước để mong một ngày mai đất nước được độc lập. c) Khổ 7:– “Không có kính rồi xe không có đèn”, “Không có mui xe thùng xe có xước”: Hình ảnh những chiếc xe thiếu thốn đủ bề.- “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”: Sẵn sàng, không sợ hiểm nguy.- “Chỉ cần trong xe có một trái tim”: Tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu. d) Nghệ thuật:– Kết hợp các biện pháp tu từ:+ Điệp từ.+ Ẩn dụ.+ Hoán dụ. – Những hình ảnh thơ đặc sắc, chân thực. 2.1.3. Kết bài:– Nêu cảm nhận 3 khổ thơ cuối của bài thơ.- Liên hệ mở rộng.
2.2. Bài văn Cảm nhận 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
Khi nhận xét về nhà thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Ngọc Thiện đã từng nói “Hồn thơ Phạm Tiến Duật phóng khoáng, rộng mở, cái đẹp của cuộc sống chiến đấu đi vào thơ ông tự nhiên và rất thật”. Đúng vậy! Và tiêu biểu cho phong cách thơ đó phải kể đến “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Ở ba khổ thơ cuối, tác giả nhấn mạnh tình đồng đội gắn bó keo sơn và ý chí chiến đấu dũng cảm của người chiến sĩ.
Sau những hành trình dài lái xe vất vả, người lính có những phút giây yên bình:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”
Những chiếc xe không có kính bởi sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Các anh lái xe từ mọi miền khác nhau tụ họp về đây tạo thành một “tiểu đội xe không kính”. Đường các anh đi chính là con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên hành trình đó, họ gặp gỡ thêm được những người bạn mới. Khoảnh khắc gặp nhau trở nên thú vị hơn bao giờ hết qua cái “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Cái bắt tay đầy ý nghĩa như truyền hơi ấm, tiếp thêm sức mạnh cho họ trong chiến đấu. Hành động này khiến ta chợt nhớ đến cái nắm tay thân thương của những người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.
Không chỉ đồng hành trong chiến đấu những người lính còn cùng nhau sinh hoạt tập thể:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”.
Trong những phút giây nghỉ ngơi, người lính cùng nhau dựng lên chiếc bếp giữa rừng và cùng ăn bữa cơm. Khoảnh khắc họ quây quần bên nhau thật giống như một gia đình thực sự. Ở câu thơ thứ ba “Võng mắc chông chênh đường xe chạy” đã diễn tả giấc ngủ vội vàng của người lính. Sau đó, họ lại tiếp tục lên đường để hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Lại đi, lại đi” nhấn mạnh hành trình lái xe không ngừng nghỉ của người lính. Hình ảnh “trời xanh thêm” thể hiện niềm hi vọng vào một ngày mai tươi sáng. Đó là màu xanh của hòa bình, tự do, của tương lai độc lập phía trước. Chính sắc xanh ấy đã tiếp thêm động lực để những người chiến sĩ vững tay lái trên chặng đường tiếp theo.
Khổ thơ cuối, tác giả đã làm nổi bật tinh thần chiến đấu kiên cường của người lính:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Tác giả sử dụng điệp ngữ “không có” kết hợp với việc liệt kê những hình ảnh “kính, đèn, mui xe” đã nhấn mạnh sức tàn phá nặng nề của chiến tranh. Bước ra khỏi cuộc chiến, những bộ phận quan trọng của chiếc xe đều bị bom đạn phá hủy. Nhưng không vì thế mà người lính chùn bước, bỏ cuộc. “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Càng khó khăn, họ càng vững chắc tay lái, quyết tâm vượt qua mọi mưa bom bão đạn để đem đến tự do cho miền Nam. Câu thơ cuối là lời khẳng định về lí tưởng cách mạng cao đẹp: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó là trái tim của tình yêu nước, của ý chí chiến đấu mạnh mẽ. Dù xe có thiếu đèn, thiếu kính nhưng chỉ cần họ còn giữ được tinh thần quyết tâm chiến đấu thì không gì có thể ngăn cản bước chân người lính trẻ.
Vậy qua ba khổ thơ cuối, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã giúp ta cảm nhận hình ảnh những người lính lái xe dũng cảm trên tuyến đường Trường Sơn. Đã nhiều năm tháng trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi nhưng hình ảnh của họ vẫn còn sống mãi trong trái tim người đọc. Bài thơ như một lời nhắc nhở mỗi người cần trân trọng, biết ơn công lao của những thế hệ đi trước. Chính họ đã hi sinh để mang cho ta cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-3-kho-tho-cuoi-trong-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-69360n.aspx Khi phân tích ba khổ thơ cuối bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” chúng ta cảm nhận được tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người lính. Để tìm hiểu chi tiết hơn về văn bản, hãy cùng tham khảo các bài viết rất hay khác như: Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính.