Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm
Đề bài: Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo.
Bài văn mẫu Viết nghị luận về một vấn đề xã hội đạt điểm cao
A. Đề 1. Nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm: hiện tượng nói tục, chửi thề ở học sinh hiện nay.
I. Dàn ý Nghị luận về hiện tượng nói tục, chửi thề ở học sinh hiện nay
1. Mở bài:– Giới thiệu vấn đề xã hội cần nghị luận: hiện tượng nói tục, chửi thề ở học sinh hiện nay.- Nêu ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề nghị luận.2. Thân bài:* Luận điểm 1: Giải thích “Nói tục, chửi thề là gì?”:- Nói tục chửi thề là dùng những ngôn từ, lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa trong giao tiếp.- Đây là hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong môi trường học đường, gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức, hành vi ứng xử của học sinh.* Luận điểm 2: Biểu hiện:- Khi giao tiếp với bạn bè: một vài cá nhân quen miệng -> nói tục chửi thề giống như câu cửa miệng.- Khi cáu giận, bực tức: không kiểm soát được suy nghĩ, lời nói của mình -> có phát ngôn thô lỗ, nặng nề.* Luận điểm 3: Nguyên nhân:- Xuất phát từ bản thân mỗi người.- Ảnh hưởng từ môi trường sống xung quanh.* Luận điểm 4: Giải pháp:- Mỗi người phải tự ý thức lời nói, ngôn từ của mình.- Nhắc nhở nhẹ nhàng những người xung quanh khi họ nói tục chửi thề.- Nhà trường, thầy cô giáo cần mạnh tay xử lí học sinh nói tục chửi thề.3. Kết bài:– Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về hiện tượng nói tục, chửi thề ở học sinh hiện nay
Từ xưa, ông cha ta đã có câu:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”
Quả thực như vậy, trong giao tiếp, nếu chúng ta nói năng nhẹ nhàng, khéo léo thì luôn được lòng người nghe. Ngược lại, nói năng thô lỗ, dùng từ ngữ không đúng chuẩn mực sẽ khiến đối phương khó chịu. Hiện nay, tình trạng học sinh nói tục chửi thề trong môi trường học đường đang ở mức báo động. Những bạn này thường nói năng thô lỗ, dùng từ ngữ không đúng chuẩn mực.
Vậy, thế nào là nói nói tục chửi thề? Theo tôi, nói tục chửi thề là việc một số người dùng những ngôn từ thô thiển, tục tĩu trong giao tiếp. Có thể thấy, đây là hiện tượng diễn ra phổ biến trong trường học, gây ảnh hưởng xấu đến lối sống, cách ứng xử và đạo đức của học sinh.
Mặc dù trường học là nơi có kỉ luật nghiêm khắc nhưng việc học sinh nói tục chửi bậy vẫn diễn ra. Trong giao tiếp cùng bạn bè, vài cá nhân nói bậy đã thành quen miệng. Dần dần, nói tục chửi thề giống như câu cửa miệng. Chỉ cần những nhóm bạn này tụ tập ở một chỗ thì lời nói tục tĩu, ngôn từ khó nghe lại vang lên. Hay đôi khi, một số người thường chửi thề, nói bậy khi gặp chuyện không may hoặc tâm trạng bực tức, cáu giận.
Nguyên nhân xảy đến hiện tượng nói tục chửi thề trong trường học xuất phát từ bản thân mỗi người. Chẳng ai có thể bắt chúng ta nói bậy được, đúng không nào? Trước hết, do người nói không nhận thức được tác hại của hành vi xấu xí này, thích thể hiện bản thân trước đám đông. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này còn bắt nguồn từ yếu tố khách quan như: ảnh hưởng từ môi trường sống xung quanh, từ mạng internet,…
Các bạn thân mến, hàng ngày, chúng ta phải liên tục giao tiếp với mọi người. Bởi vậy, mỗi người cần có cách ứng xử, trò chuyện phù hợp. Thay vì sử dụng lời lẽ, ngôn từ thô tục, các bạn học sinh nên nói năng lịch sự, có văn hóa trong mọi môi trường, không chỉ ở trường học. Đồng thời, cần nghiêm túc xem xét lại bản thân và biết cùng nhau chung tay loại bỏ hành vi xấu xí này. Mỗi người hãy tự trau dồi ngôn ngữ chuẩn mực, từng bước thay đổi cách giao tiếp với bạn bè xung quanh. Ngoài ra, phải luôn ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Như vậy, nói tục chửi thề là hành vi xấu xí, thiếu chuẩn mực, không phù hợp. Để trường học luôn là môi trường giáo dục lành mạnh, tốt đẹp, chúng ta cần cố gắng nỗ lực rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử. Từ đó, trở thành người ăn nói lịch sự, có văn hóa và hoàn thiện hơn về nhân cách.
Bài văn mẫu Viết nghị luận về một vấn đề xã hội hay nhất
B. Đề 2. Nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm: ô nhiễm môi trường
I. Dàn ý Nghị luận về ô nhiễm môi trường
1. Mở bài:– Giới thiệu vấn đề xã hội cần nghị luận: ô nhiễm môi trường.- Nêu tầm quan trọng, sự cần thiết của vấn đề.2. Thân bài:* Luận điểm 1: Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay:- Ô nhiễm môi trường không khí: khí thải từ các phương tiện cá nhân, từ các nhà máy,…- Ô nhiễm môi trường nước:+ Chưa xử lí nước bẩn nhưng lại xả thải trực tiếp ra môi trường.+ Xả rác xuống sông, hồ, ao, suối.- Ô nhiễm môi trường đất:+ Hiện tượng đất nhiễm chì, thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.+ Rác thải sinh hoạt, công nghiệp chất thành bãi tại nhiều khu vực.* Luận điểm 2: Nguyên nhân:- Ý thức của con người còn kém, chưa biết phân loại rác.- Các cơ quan, cấp ngành quản lí lỏng lẻo, chưa có chế tài xử phạt đúng mực.* Luận điểm 3: Hậu quả:- Ảnh hưởng tới sức khỏe con người.- Tác động xấu tới hệ sinh thái, môi trường sống, mất cân bằng đa dạng sinh học.* Luận điểm 4: Một số giải pháp:- Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường.- Nhà trường, thầy cô cần tăng cường giáo dục học sinh cách phân loại rác thải,…- Các cơ quan địa phương, nhà nước cần quản lí chặt chẽ những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.3. Kết bài: – Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về ô nhiễm môi trường
Môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, lao động của con người. Thế nhưng, hiện tại, môi trường đang bị ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng. Vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở thành bài toán nan giải của nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy tất cả các môi trường như: không khí, nước hay đất đều đang ô nhiễm nặng nề. Rất nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí vì lượng khí thải từ phương tiện cá nhân, nhà máy thải ra quá cao. Những khu vực như sông ngòi, ao hồ cũng bị nhiễm bẩn nặng nề. Thậm chí, một số nhà máy không xử lí nước thải trước khi xả ra môi trường. Ở các thành phố, đô thị, rác thải sinh hoạt có số lượng cực kì lớn. Năm 2020, báo Tuổi trẻ thủ đô đưa tin “ước tính lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội là 6.500 tấn/ngày”. Ở khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường đất cũng không khá hơn là bao. Rất nhiều người nông dân lạm dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất sản xuất. Tại các trung tâm công nghiệp, nhà máy, một số loại rác thải điện tử cũng không được xử lí đúng cách.
Có thể thấy, nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ chính ý thức của con người. Đa số người dân vẫn không nhận ra hệ lụy mà tình trạng này để lại. Họ thản nhiên vứt rác ở mọi chỗ, chỉ cần nhà mình luôn sạch. Họ không biết cách phân loại rác thải sao cho đúng. Ngoài ra, các cơ quan, cấp ngành có thẩm quyền còn quản lí lỏng lẻo, chưa đưa ra chế tài xử lí đúng mức. Chính bởi điều này mà người dân không hề sợ hãi, lo lắng khi vi phạm.
Môi trường bị ô nhiễm, con người phải gánh chịu rất nhiều tác hại. Trước tiên, sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo một thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta “có đến 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư, nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước…”. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa đến sự sống của một số loài động vật, thực vật, gây mất cân bằng đa dạng sinh học. Những sinh vật biển như rùa, cá,… gặp nguy hiểm bởi túi ni lông quấn vào thân, chai nhựa mắc trong cổ họng. Nhiều rừng cây không thể phát triển do mưa axit, đất bị nhiễm chì hoặc dư lượng thuốc hóa học cao.
Như vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường luôn xanh – sạch – đẹp. Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, hiểu biết về các loại rác thải. Sau đó, học cách phân loại rác cho phù hợp. Đồng thời, mỗi cá nhân phải có hành động đúng đắn, không được “tiện tay” vứt ra ra đường hay các khu vực xung quanh. Nhà trường, thầy cô cũng cần tăng cường giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường. Trong các tiết học ngoại khóa, có thể hướng dẫn học sinh phân loại và tái chế rác. Đặc biệt, cơ quan địa phương, nhà nước phải quản lí chặt chẽ hơn nữa những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. Các cơ quan chức năng, có thẩm quyền cần mạnh tay xử lí trường hợp vi phạm, lấy đó làm gương để người khác không mắc phải và tái diễn tình hình.
Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ nhận thức đầy đủ về tác hại của ô nhiễm môi trường. Từ ấy, luôn nhắc nhở bản thân phải biết bảo vệ môi trường sống. Hãy hành động vì chính mình, vì gia đình và vì cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-van-ban-nghi-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-ma-ban-quan-tam-73645n.aspx Khi viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội, em cần nêu được biểu hiện, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp. Đừng quên kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để bài viết thêm thuyết phục, em nhé! Mời em tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 10 khác mà đội ngũ Taimienphi.vn đã biên soạn:– Phân tích nhân vật Sư Nghêu– Phân tích nhân vật Thị Hến