Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
Cảm nhận về bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
I. Dàn ý Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
1. Mở đoạn:- Giới thiệu tác giả, tác phẩm; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.2. Thân đoạn:- Nêu cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, vần, nhịp, yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,…)3. Kết đoạn:- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn tham khảo: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
1. Đoạn văn mẫu số 1 – Ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) hay nhất:
Đọc bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai, em thấy rung động sâu sắc về tình cảm của người con dành cho người mẹ kính yêu. Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh người mẹ với tấm lưng gầy “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng”. Hai hình ảnh thơ trái ngược đã nhấn mạnh tâm trạng thảng thốt và nỗi đau thầm lặng trong lòng người con khi nhận ra mẹ đã già. Quy luật khắc nghiệt của thời gian một đi không trở lại làm lòng con càng thêm quặn thắt “Cau gần với trời/ Mẹ thì gần đất”. Hình ảnh “cau bổ tám” càng ngày càng nhỏ gợi nên tuổi già móm mém của mẹ. Khi con dần trưởng thành cũng là lúc mẹ trở nên gầy yếu theo năm tháng: “Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ”. Và con càng thêm kính trọng nâng niu tình mẹ “con nâng trên tay” nhưng lại không cầm được những giọt nước mắt yêu thương xót xa. Câu hỏi ở cuối bài thơ “Sao mẹ ta già?” như là lời tự vấn chính mình, đồng thời cũng gợi nỗi cô đơn trống trải trong lòng người con. Bằng hình ảnh thơ đối lập, ngôn ngữ mộc mạc và thể thơ 4 chữ ngắn gọn đã khắc họa cho chúng ta hình ảnh người mẹ già luôn tần tảo, đảm đang. Bài thơ như lời nhắc nhở mỗi người hãy biết yêu thương, quan tâm tới mẹ cùng những người thân trong gia đình.
Tập làm văn 7: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi học bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
2. Đoạn văn mẫu ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) lớp 7 chọn lọc – mẫu số 2
Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã để lại cho em nhiều cảm xúc sâu lắng qua bài thơ “Mẹ”. Mẹ với tấm lưng nhỏ bé trái ngược với hình dáng cây cau trong vườn “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng” làm con càng thêm đau xót. Theo dòng chảy của thời gian, cây cau ấy ngày càng lớn cao nhưng mẹ của con lại “ngày một thấp”. Con nhớ những ngày thơ bé, miếng cau bổ tư vẫn mẹ vẫn móm mém nhưng hôm nay miếng cau ấy bổ thành tám miếng nhỏ mà “Mẹ còn ngại to!”. Nhìn miếng cau khô quen thuộc, con lại liên tưởng đến bóng hình mẹ già đi mỗi ngày “Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ”. Chứng kiến mẹ thêm già yếu, con lại thấy quặn thắt, trầm mặc trong lòng mà đôi tay run run “nâng” với cả tấm lòng kính trọng. Nhưng cuối cùng, đứng trước khuôn mặt quen thuộc đang mất đi sức xuân ấy, con “không cầm được lệ”. Câu hỏi tự vấn “Sao mẹ ta già?” như càng khẳng định sự bất lực, đau xót khi không thể níu kéo dòng thời gian đang trôi để níu kéo mẹ ở lại bên con mãi mãi. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ đối lập cùng biện pháp so sánh “Khô gầy như mẹ” đã khắc họa chân thực hình ảnh người mẹ. Qua đó, bài thơ đã nói lên sự vất vả, tần tảo của cuộc đời mẹ, đồng thời khẳng định tình yêu thương sâu sắc mà con dành cho mẹ.
3. Đoạn văn mẫu ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) điểm cao – mẫu số 3
Bài thơ “Mẹ” của nhà thơ Đỗ Trung Lai là một bài thơ hay viết về hình ảnh người mẹ mà em thấy ấn tượng. Mượn hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam – cây cau, tác giả đã khắc họa rõ nét hình bóng người mẹ đang già đi năm tháng. Nếu như cây cau trong vườn ngày một cao thẳng thì tấm lưng của mẹ lại thêm còng “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn đứng”. Thời gian làm cau xanh tốt thì cũng làm mẹ già đi “Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp”. Lòng con như quặn thắt, đau xót khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu. Tác giả mượn hình ảnh miếng trầu “Cau mẹ bổ tư/ Giờ cau bổ tám” như để khắc họa tuổi già móm mém. Biện pháp tu từ so sánh “Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ” giúp ta cảm nhận được sâu sắc nỗi buồn và sự trầm mặc in sâu trong lòng con. Câu hỏi cuối bài thơ “Sao mẹ ta già?” đâu chỉ để hỏi trời cao mà còn là câu hỏi người con đặt ra cho chính mình. Bằng lời thơ giản dị, tự nhiên, thể thơ bốn chữ ngắn gọn cùng các biện pháp đôi “còng – thẳng”, so sánh “Khô gầy như mẹ” góp phần thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhan đề bài thơ chỉ gói gọn trong một từ “Mẹ” nhưng đã gợi cho người đọc bao cảm xúc về tình yêu thương của người con dành cho mẹ và nỗi buồn tủi khi thấy mẹ thêm già đi.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ghi-lai-cam-xuc-cua-em-sau-khi-doc-bai-tho-me-do-trung-lai-70756n.aspx Với bài thơ “Mẹ”, tác giả Đỗ Trung Lai đã làm mới một hình tượng vô cùng quen thuộc trong văn học nói chung. Qua đó, ông cũng căn dặn chúng ta phải biết yêu thương, trân trọng đấng sinh thành, biết ơn những gì mà mẹ đã hi sinh vì chúng ta. Bên cạnh tác phẩm đầy ý nghĩa này, em có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 7 khác trên Taimienphi.vn như: – Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Ông đồ– Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa