Trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7 – KNTT

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống.

trinh bay y kien tan thanh ve mot van de trong doi song ngu van 7 kntt

Viết đoạn văn trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình ngắn gọn hay nhất

A. Dàn ý chung trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống:

1. Mở bài: Nêu vấn đề đời sống cần bàn trong bài nghị luận.

2. Thân bài: – Nêu ý kiến đáng quan tâm về vấn đề.- Nêu các lí lẽ, dẫn chứng để thể hiện thái độ tán thành với ý kiến.

3. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của ý kiến được tán thành.

B. Dàn ý và bài văn tham khảo trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống:

Đề số 1: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Sự hỗ trợ của người khác và nỗ lực của bản thân, yếu tố nào là quan trọng hơn đối với sự thành công của mỗi người?

I. Dàn ý Trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống chi tiết:

1. Mở bài: Dẫn dắt và nêu quan điểm về vấn đề cần nghị luận: sự hỗ trợ của người khác là cần thiết, nhưng sự nỗ lực của bản thân mới là yếu tố quyết định thành công.

2. Thân bài: Phân tích yếu tố đã được lựa chọn: nỗ lực của bản thân.- Nỗ lực là nền móng cho sự thành công.- Nỗ lực đem đến sự tự tin cho con người.

3. Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của bản thân và rút ra bài học.

II. Bài văn tham khảo:

Để có thể thành công trong công việc và cuộc sống, ta phải dựa vào rất nhiều yếu tố bao gồm cả sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của người khác. Theo quan điểm cá nhân của em, em nghĩ rằng sự nỗ lực của bản thân mới là yếu tố quyết định dẫn đến thành công của con người.

Có thể thấy, nỗ lực của bản thân chính là yếu tố đặt nền móng cho thành công. Mục tiêu muốn đạt được không phải chỉ trong một hai ngày mà đó là cả quá trình dài không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Bản thân mỗi người cần phải quyết tâm, tự đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể và từng bước thực hiện chúng. Con đường đó gian nan và vất vả hơn chúng ta nghĩ. Chỉ khi quyết tâm, nỗ lực không ngừng, ta mới có thể bám trụ đến cùng. Bởi sự phấn đấu không mệt mỏi ấy sẽ mang đến cho ta kiến thức, kinh nghiệm, giúp ta vượt qua những khó khăn.

Nỗ lực cũng là một cách để con người nâng cao giá trị bản thân. Khi ta cố gắng vì một điều gì đó, ta sẽ cố hết sức để trau dồi bản thân mình về mọi mặt. Lúc đó, ta biết rõ bản thân mình có những gì, đã đạt được gì và biết được bản thân mình ở đâu. Đó chính là yếu tố tiên quyết giúp ta đạt được thành công trong tương lai.

Tựu chung lại, để chinh phục ước mơ, ta cần dựa vào sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của chính bản thân mình. Sự giúp đỡ của người khác chỉ là một phần nhỏ giúp ta giảm bớt những gánh nặng trên vai chứ không phải là thứ quyết định đến hai chữ “thành” – “bại” của mỗi người. Vậy nên để đạt được mục tiêu, ta cần không ngừng nỗ lực, phát triển, bản thân mình.

Đề số 2: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Thành công và thất bại, mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ?

I. Dàn ý Trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống chi tiết:

1. Mở bài: Dẫn dắt và nêu quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận: Thất bại là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ.

2. Thân bài: Phân tích những ảnh hưởng của việc thất bại đến sự tiến bộ của con người:- Giúp con người có được những bài học, kinh nghiệm đáng quý.- Đem tới cho con người động lực để vượt qua khó khăn.- Rèn luyện ý chí và thái độ sống cho con người.

3. Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của bản thân và rút ra bài học.

II. Bài văn tham khảo:

Trong quá trình trưởng thành, không ai là chưa từng trải qua cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi thành công và buồn bã, chán nản khi thất bại. So với thành công, theo tôi sự thất bại mới là một trải nghiệm bổ ích, đáng quý với con người.

Trước hết, sự thất bại đem đến cho mỗi người những kinh nghiệm và bài học quý báu. Thất bại có thể bắt nguồn từ sự bất cẩn của bản thân hay do yếu tố khách quan ngoài ý muốn. Dù thế nào, ta cũng nên học cách thừa nhận sai lầm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mặc dù việc làm ấy không hề đơn giản nhưng nếu ta làm được, chắc chắn ta sẽ trưởng thành, khôn lớn hơn..

Đọc thêm:
Dàn ý nghị luận xã hội về hiện trạng quảng cáo sai sự thật

Không những vậy, thất bại còn trở thành động lực và là bàn đạp để con người tiến về phía trước. Trong cuộc sống, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Khi ta đã dồn công sức và tâm huyết vào một việc nhưng kết quả nhận lại không được như mong muốn, ta sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng và tiêu cực. Nhưng một khi nhận ra vấn đề, vượt qua được những sự bi quan đó, ta sẽ càng nỗ lực hơn gấp nhiều lần để đạt được mục tiêu. Đến lúc đó, với kinh nghiệm cùng tinh thần quyết tâm không chịu lùi bước, thành công sẽ đến với chúng ta.

Trải qua thất bại, mỗi người có thể rèn cho mình sự bản lĩnh và thái độ sống phù hợp. Thành công khiến con người ngủ quên trên chiến thắng và bỏ qua việc rèn luyện bản thân. Nhưng thất bại lại đòi hỏi con người phải suy ngẫm, từ đó thay đổi và hoàn thiện chính mình qua mỗi lần vấp ngã. Thất bại dạy cho ta một trong những đức tính quý báu của con người, đó là sự khiêm tốn. Chỉ khi khiêm tốn, ta mới sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ những đánh giá, góp ý của người khác, biến nó thành những kiến thức phục vụ cho bản thân. Ta sẽ không ngần ngại hay sợ hãi trước những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra mà mạnh mẽ, vững vàng tiến về phía trước.

Để có thể hoàn thiện bản thân, ta cần biết cách cân bằng cuộc sống, không nên tự cao khi thành công cũng như không bi quan khi gặp khó khăn, thất bại. Hãy cứ tin tưởng vào bản thân mình, vững vàng đứng dậy sau thất bại và ta sẽ có thể gặt hái được những kết quả, thành tựu xứng đáng.

Ngoài những chủ đề bên trên, Taimienphi.vn còn rất nhiều những bài văn mẫu lớp 7 chất lượng khác để em tham khảo nhé: Đoạn văn có sử dụng thành ngữ đẽo cày giữa đường chất lượng, ngắn gọn, Viết Đoạn văn Tự học là không cần sự trợ giúp của người khác hay bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống để học tốt môn học này.

Trinh bay y kien ve mot van de trong doi song

Viết bài văn trình bày suy nghĩ về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm

Đề số 3: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn, câu nào là chân lí?

I. Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”, câu nào là chân lí.

2. Thân bài: Đồng ý với câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”.a. Giải thích câu tục ngữ:+ Thầy: là người dạy dỗ hướng dẫn, chỉ bảo.+ Ý nghĩa câu tục ngữ: Nếu không có người chỉ dẫn, dạy dỗ thì không thể hoặc rất khó để có được thành công.=> Chúng ta muốn thành công, muốn đạt được tri thức thì đều cần sự hướng dẫn, định hướng của những người thầy.b. Vai trò của người thầy:- Dìu dắt, hướng dẫn, truyền dạy những kiến thức quý báu.- Thầy cô là những người đồng hành, hướng học sinh đến lối sống, nhân cách đạo đức tốt đẹp.c. Phản biện:- Vẫn có những trường hợp tự học, tự tìm tòi, khám phá để tạo dựng cơ đồ cho riêng mình nhưng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Trên thực tế, họ cũng phải học hỏi, tiếp bước những thế hệ đi trước để xem xét, phát triển.

3. Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận và rút ra bài học.

II. Bài văn Trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời tham khảo:

“Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” là hai câu tục ngữ quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Theo cá nhân em, “Không thầy đố mày làm nên” mới là chân lí vì câu tục ngữ đã cho thấy được tầm quan trọng của người thầy đối với mỗi cá nhân.

Câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên” như một lời răn dạy hết sức nhẹ nhàng, gần gũi của ông cha với thế hệ con cháu. Kho tàng kiến thức là mênh mông vô bờ. Để chinh phục được nó, ta cần đến những người thầy, người cô. Nếu không có được những sự dạy dỗ, chỉ dẫn của thầy cô, ta khó mà có thể “nên người”.

Đọc thêm:
Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc

Trên con đường phát triển bản thân, người thầy đóng một vai trò quan trọng. Họ là những người đem đến cho ta vô vàn bài học, dạy cho ta không chỉ kiến thức mà còn là những kinh nghiệm sống quý báu. Thầy cô dạy ta tính kỉ luật, tinh thần trách nhiệm và đạo đức tốt đẹp, giúp ta phát triển toàn diện mọi mặt để từ đó hoàn thiện bản thân.

Trong cuộc sống, ta không chỉ được học trên trường lớp mà còn được tiếp xúc với nhiều mặt của xã hội. Với mỗi giai đoạn, ta sẽ được gặp gỡ, học hỏi từ những người khác nhau. Họ cũng chính là người thầy mà ta cần coi trọng. Họ chỉ dạy, dẫn dắt ta theo những cách riêng, giúp ta nhận ra được vô số những điều mới mẻ, bổ ích, để ta vững bước hơn trên con đường chinh phục thành công. Thực tế rất hiếm có người tự học trở thành tài. Họ đều phải trải nghiệm, làm quen với những những môi trường, “người thầy” mới, từ đó, quan sát, kế thừa và tự hoàn thiện mình. Vậy nên không ai có thể thành công mà không có sự học hỏi, chỉ dẫn của người đi trước.

Mỗi người chúng ta đều là một cá thể riêng biệt với những thế mạnh khác nhau. Để có thể tìm tòi và phát triển những điểm mạnh của bản thân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, ta cần có những người dẫn dắt, chỉ bảo tận tình.

Người “thầy” chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất trên con đường tiến đến thành công. Vậy nên, ta cần tôn trọng và không ngừng học hỏi từ họ để bản thân mình có thể phát triển và hoàn thiện nhất.

Đề số 4: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

I. Dàn ý chi tiết trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống

1. Mở bài: Dẫn dắt và nêu quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận: Không nên ham mê trò chơi điện tử.

2. Thân bài: – Phân tích những mặt tiêu cực của việc chơi game đối với bản thân con người và xã hội.+ Gây lãng phí về thời gian và tốn kém tiền bạc.+ Làm tổn hại đến sức khỏe và tinh thần.+ Ham mê trò chơi điện tử gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.

3. Kết bài: Khẳng định lại những tiêu cực mà trò chơi điện tử mang lại và rút ra bài học cho bản thân.

II. Bài văn tham khảo:

Trò chơi điện tử là một thú vui giải trí của con người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Hàng loạt các quán điện tử được mở ra nhằm phục vụ nhu cầu chơi game ngày càng cao của giới trẻ. Bên cạnh những mặt tích cực, trò chơi điện tử cũng để lại nhiều hệ lụy, hậu quả đối với bản thân con người và xã hội.

Đầu tiên, ta có thể dễ dàng thấy được việc ham mê trò chơi điện tử dẫn đến sự tốn kém, lãng phí cả về thời gian lẫn tiền bạc. Với một số người, đây chỉ là một hình thức giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, có những người lại quá đam mê và phụ thuộc vào những trò chơi ảo đó. Họ sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ để ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại và bỏ quên mọi thứ xung quanh. Thay vì làm những việc có ích, họ lại dùng tiền bạc và thì giờ để lao vào những trò chơi vô bổ, dẫn đến sự chậm trễ, thụt lùi trong công việc, học tập.

Tiếp đến, việc ham mê trò chơi điện tử còn gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của con người. Đây là một vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay. Việc lạm dụng các thiết bị điện tử để chơi game khiến cho sức khỏe con người giảm sút nghiêm trọng, kéo theo vô số vấn đề về tâm lí. Những tựa game bạo lực, kinh dị tạo nên một số suy nghĩ lệch lạc, méo mó đối với thế hệ trẻ, gây nên nhiều sự việc đáng tiếc.

Không chỉ vậy, ham mê trò chơi điện tử quá mức còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Do sự tác động của những tựa game không phù hợp với lứa tuổi, một bộ phận thanh thiếu niên đã có những hành động sai trái, đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức của cộng đồng. Chỉ khi con người biết kiểm soát bản thân, cân bằng giữa công việc và giải trí thì mới tránh được những ảnh hưởng tiêu cực mà trò chơi điện tử mang lại. Suy cho cùng, trò chơi điện tử chỉ là một công cụ để thư giãn, kết nối bạn bè chứ không phải là thứ điều khiển cuộc đời chúng ta.

Đọc thêm:
Viết đoạn văn về một phương diện nổi bật của bài thơ Tràng giang

Tóm lại, trò chơi điện tử là một hình thức giải trí thú vị nhưng chúng ta không nên quá phụ thuộc, lạm dụng nó. Mỗi người không nên vì những phút giây vui vẻ nhất thời mà làm ảnh hưởng đến công việc, học tập của bản thân.

Đề số 5: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Đồ dùng bằng nhựa – tiện ích và tác hại.

I. Dàn ý chi tiết đề trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống:

1. Mở bài: Dẫn dắt và nêu lên quan điểm của bản thân về việc sử dụng đồ dùng nhựa trong cuộc sống.

2. Thân bài:* Nêu và phân tích những tiện ích và tác hại của đồ dùng bằng nhựa đối với đời sống con người.- Tiện ích:+ Giá thành rẻ.+ Số lượng nhiều, mẫu mã đa dạng.+ Gọn nhẹ, dễ dàng để mang theo.+ Giúp tiết kiệm không gian, thời gian và tiền bạc cho con người.- Tác hại:+ Việc sử dụng đồ dùng nhựa trong việc nấu ăn một thời gian dài có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm.+ Độ bền không quá cao.+ Khó phân hủy, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.+ Rác thải nhựa còn gây hại cho các loài động – thực vật, ảnh hưởng xấu tới cân bằng hệ sinh thái.* Giải pháp: Cần phải sử dụng các đồ dùng nhựa một cách hiệu quả, thông minh để bảo vệ bản thân, gia đình và cuộc sống.

3. Kết bài: Khẳng định lại các tiện ích – tác hại của đồ dùng nhựa đối với cuộc sống con người và rút ra bài học cho bản thân.

II. Bài văn tham khảo trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống:

Xã hội phát triển kéo theo cuộc sống ngày một tiện nghi. Dưới sự phát triển của khoa học kĩ thuật, nhựa trở thành chất liệu được nhiều người ưa thích bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, việc sử dụng các đồ vật từ nhựa lại trở thành chủ đề đáng được quan tâm. Hiện nay, đã có rất nhiều nghiên cứu cũng như những ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Về mặt tích cực, nhựa là vật liệu có giá thành rẻ, tiện lợi đối với người tiêu dùng. Hầu như trong gia đình nào cũng có ít nhất một đồ vật làm từ nhựa. Đó có thể là muôi xới cơm, cốc, bát, hộp đựng đồ ăn,… Sự gọn nhẹ và tiện dụng của chúng giúp cho cuộc sống dễ dàng và tiết kiệm hơn. Hơn nữa, các đồ vật làm từ nhựa có mẫu mã tương đối đa dạng. Người tiêu dùng có thể thay đổi thường xuyên để phù hợp với nhu cầu và sở thích.

Về mặt tiêu cực, việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa có thể gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là khi nấu ăn. Khác với kim loại, khi gặp nhiệt độ cao, nhựa dễ bị nóng chảy và sản sinh ra các chất có hại cho cơ thể. Vậy nên nếu ta sử dụng bát nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn nóng trong một thời gian dài thì cơ thể sẽ hấp thụ phải hàng loạt các chất hóa học độc hại. Từ đó, dễ mắc các bệnh về dạ dày, gan, hay nguy hiểm hơn nữa là ung thư. Không chỉ vậy, nhựa rất khó phân hủy, trở thành yếu tố hàng đầu gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Việc rác thải nhựa bị xả bừa bãi còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài động thực vật, làm mất cân bằng hệ sinh thái và gia tăng thời tiết cực đoan.

Tựu chung lại, các vật dụng làm từ nhựa mang đến rất nhiều sự tiện lợi cho đời sống con người. Tuy nhiên ta cần sử dụng chúng đúng cách để không gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình. Đồng thời, biết cách tái chế đồ rác thải từ nhựa, có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh để xã hội ngày một sạch đẹp và phát triển hơn nữa.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-y-kien-tan-thanh-ve-mot-van-de-trong-doi-song-ngu-van-7-kntt-73972n.aspx Để làm tốt bài văn nghị luận trình bày ý kiến tán thành về một vấn đề trong đời sống, em cần phân tích kĩ các khía cạnh của vấn đề và đưa ra những dẫn chứng thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình.

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button