Tình huống truyện và ý nghĩa giáo dục của Chiếc thuyền ngoài xa
Đề bài: Phân tích tình huống truyện và ý nghĩa giáo dục của Chiếc thuyền ngoài xa
Bài văn mẫu Tình huống truyện và ý nghĩa giáo dục của Chiếc thuyền ngoài xa
Bài làm
Đối với truyện ngắn, tình huống giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại, nó chính là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng bộc lộ sắc nét nhất. Có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức. Nếu tình huống hành động chủ yếu nhằm tới hành động có tính bước ngoặt của nhân vật, tình huống tâm trạng chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật thì tình huống nhận thức chủ yếu cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí nhân vật. Ở Chiếc thuyền ngoài xa, kết thúc sự kiện người đàn bà được mời đến toà án huyện để giải quyết bi kịch gia đình lại là: “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”. Như vậy, các chi tiết chính của câu chuyện đều được định hướng “chuẩn bị” cho sự nhận thức mới mẻ của Đẩu. Đó là các chi tiết:
– Người đàn ông đánh vợ, cần tìm hiểu chi tiết này từ phương diện tâm li tính cách nhân vật. Vì sao khi mới rời thuyền, người đàn ông “lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới” của người đàn bà nhưng chỉ khi hai người đã đi khuất vào sau chiếc xe rà phá mìn “to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng” thì lão “lập tức trở nên hùng hổ”? Vì sao trong khi “trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà” giọng lão lại “rên ri đau đớn”? Vì sao chuyện lão đánh vợ diễn ra thường xuyên vi việc lão đánh vợ ở bãi xe tăng hỏng có phải ngẫu nhiên không?
– Thái độ cam chịu đầy nhẫn nhục của người đàn bà: “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Đây là một thái độ lạ lùng. Phải chãng bà ta bị đòn nhiều đến mức quen rồi, không còn biết đau nữa. Hay bà ta tăm tối, dốt nát đến mức không còn chút ý thức về quyền sống của mình ? hay đó là một sự lựa chọn bất đắc dĩ nhưng đã được suy tính kĩ lưỡng, sáng suốt ? Trong hoàn cảnh con đông mà cuộc sống trên mặt nước đầy nhọc nhằn, bất trắc, nỗi lo cơm áo không lúc nào buông tha, liệu bà ta có cách lựa chọn nào tối hơn không ? Phải chăng tác giả đã dùng hình ảnh bãi xe tăng hỏng như một gợi ý rằng cuộc chiến đấu chống đói nghèo, tăm tối còn gian nan hơn cả cuộc chiến chống ngoại xâm và chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, chừng đó con người còn phải chung sống với cái xấu, cái ác?
– Phản ứng của cậu bé Phác: “nhảy xổ” vào người bố, “giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khoá sắt quật vào giữa khuông ngực” ông ta. Đây là sự phản ứng tự nhiên của một tâm hồn trẻ thơ yêu mẹ hay là sự căm phẫn mù quáng. Cậu bé hành động như thế là đúng hay sai?
– Người bố đánh Phác rồi bỏ đi, người mẹ “dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa xấu hổ, nhục nhã Bà gọi tên con “ôm chầm lấy nó”, rồi lại buông ra “chắp tay vái lấy vái để rồi lại ôm chầm lấy”. Có phải hà mẹ đau đớn vì rốt cuộc đã không sao tránh được cho con cái khỏi bị thương tổn vì cảnh bạo lực trong gia đình (Phác đã chứng kiến cảnh bà bị đòn) ? bà xấu hổ, nhục nhã vì phải giấu giếm con cái tình trạng khốn khổ của mình, vì mình bất lực hay xấu hổ, nhục nhã vì không dạy được con ? tại sao lúc chịu đòn đau đến mấy bà cũng không kêu xin, khóc lóc mà bây giờ khi không bị đòn bà lại khóc ? Bà “vái lây vái để” đứa con là để “tạ tội” với nó hay cầu xin nó đừng căm thù bố, đừng trở nên độc ác như bố nó?
– Đẩu mời người đàn bà đến công sở để trao đổi chuyện gia đình bà. Anh khuyên bà nên bỏ chồng nhưng bà kiên quyết chối từ. Qua chi tiết này có thể thấy rõ Đẩu là người tốt bụng, đầy thiện chí nhưng lại nông nổi. Anh hiểu luật pháp nhưng lại không thực sự hiểu đời sống nên cho rằng giải phóng cho người phụ nữ kia khỏi sự trói buộc với người chồng vũ phu là giải pháp đúng đắn. So với anh, rõ ràng người đàn bà làng chài lạc hậu, thất học nhưng bù lại, bà hiểu đời sống, hiểu con người. Bà nói với Đẩu “lòng các chú tốt, nhưng các chú (…) đâu có hiểu cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Bà hiểu nổi bế tắc, khốn khổ của người chồng và hơn cả, bà hiểu thiên chức làm mẹ. Phải chăng vì thiên chức đó, vì những niềm vui nhỏ bé bình dị (“cũng có lúc vợ -chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận vui vẻ”, “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”…) mà bà chấp nhận tình trạng bị hành hạ.
Sau khi thấy các biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không có kết quả, Đẩu – với tư cách thẩm phán huyện – đã khuyên người vợ nên li hôn để thỏi bị hành hạ, ngược đãi. Anh mời người đàn bà đến công sở để trao đổi về vấn đề này. Có lẽ Đẩu đã tin rằng giải pháp mình chọn cho bà ta là đúng đắn. Nhưng sau buổi nói chuyện thì mọi lí lẽ của anh đều bị người đàn bà chất phác, lam lũ “bác bỏ”. Hoá ra lòng tốt của anh là lòng tốt phi thực tế. Anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu sách vở nên trước một cuộc sống đích thực anh trở thành kẻ nông nổi, ngây thơ. Người đàn bà làng chài thất học, quê mùa nhưng thật sâu sắc khi “nhìn suốt cả đời mình” đã khiến “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”. Có thể anh vừa “ngộ” ra ”những nghịch lí đời sống – những nghịch lí con người buộc phải chấp nhận, phải “trút một tiếng thở dài đầy chua chát”: “trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo”. Cũng có thể, anh bắt đầu hiểu ra rằng, muốn con người thoát khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, man rợ cần có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn. Đây cũng là sự “vỡ ra” của người thợ chụp ảnh về “độ chênh” giữa “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” mà anh vừa hân hoan thu vào ống kính với cuộc sống nhọc nhằn chẳng thi vị chút nào của cái gia đình dân chài trên con thuyền mà anh lấy làm tâm điểm cho bức ảnh nghệ thuật.
Hậu quả tình trạng bạo lực trong gia đình cậu bé Phác là nổi đau khổ nặng nề mà người mẹ và những đứa con phải gánh chịu. Người mẹ không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị giày vò về tinh thần vì bà luôn nơm nớp lo sợ con bị tổn thương. Dù bà hết sức che chắn (xin chồng đừng đánh mình trên thuyền trước mặt con cái) nhưng rồi những đứa con vẫn biết sự thật khiến bà “vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Đứa con – cậu bé Phác – vì yêu mẹ, thương mẹ mà thành căm ghét bố. Nó xông vào đánh bố để bảo vệ mẹ và như vậy, niềm tin trong trẻo của tuổi thơ đã bị rạn vỡ.
Nói về tệ nạn này, Nguyễn Minh Châu không chỉ lên án thói vũ phu, báo động về tình trạng bạo lực mà con ca ngợi vẻ đẹp tình mẫu tử, lên tiếng bảo vệ khát vọng được sống trong tình yêu thương, yên bình của trẻ em. Con mắt nhân đạo của nhà văn còn thể hiện ở nổi lo âu đầy trách nhiệm: cậu bé sẽ thành người thế nào nếu môi trường sống không thay đổi tích cực?
-HẾT-
Bên cạnh ý nghĩa giáo dục, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu còn chứa đựng rất nhiều bài học sâu sắc về cuộc đời, con người với những phức diện, đa chiều và những quan niệm về nghệ thuật, mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ với con người. Tìm hiểu thêm về những nội dung đặc sắc này, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Cảm nhận về nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, Bình giảng tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
https://thuthuat.taimienphi.vn/tinh-huong-truyen-va-y-nghia-giao-duc-cua-chiec-thuyen-ngoai-xa-42539n.aspx