Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm
Bài văn mẫu Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Lượm ngắn nhất
I. Dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm:
1. Mở đoạn: – Giới thiệu tác giả, tác phẩm.- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.2. Thân đoạn:a. Cảm xúc về nội dung: Tác giả ngợi ca sự dũng cảm của chú bé Lượm trong thời kì kháng chiến chống Pháp.* Vẻ đẹp ngoại hình của chú bé Lượm:- Từ láy “loắt choắt” diễn tả dáng người nhỏ nhắn.- Đôi má ửng hồng như trái bồ quân.- Trang phục: đầu đội ca lô, người đeo túi nhỏ.- Dáng vẻ, cử chỉ:+ Nhanh nhẹn: “chân thoăn thoắt”.+ Hơi nghiêng đầu về một phía, mắt hướng lên cao.=> Ngoại hình gợi lên sự dễ thương, trong sáng.* Vẻ đẹp phẩm chất, tính cách:- Vô tư, lạc quan, hồn nhiên:+ Huýt sáo vang, nhảy trên đường vàng.+ Phấn khởi, hào hứng khi đi làm liên lạc, cảm thấy ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà.+ Cười híp mí.=> Niềm say mê với nhiệm vụ, với kháng chiến.- Dũng cảm, không ngại hiểm nguy:+ Cần mẫn, chăm chỉ đưa thư.+ Đạn bay vèo vèo trên đầu nhưng không hề sợ hãi, chiếc ca lô nhỏ vẫn từng bước đi trên đồng.=> Tinh thần trách nhiệm của chú bé Lượm.+ Lượm hi sinh đầy dũng cảm, để lại nỗi thương xót cho nhân vật trữ tình cũng như người đọc.b. Cảm xúc về nghệ thuật:- Thể thơ bốn chữ ngắn gọn.- Hệ thống từ láy giàu sức gợi hình.- Hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi.- Kết cấu đầu cuối tương ứng đặc sắc.- Biện pháp nói giảm nói tránh “Hồn bay giữa đồng…”.- Có sự kết hợp giữa yếu tố miêu tả với tự sự, biểu cảm.3. Kết đoạn:– Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ Lượm hay nhất:
1. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm – mẫu số 1:
Khi đọc những sáng tác của nhà thơ Tố Hữu, em đặc biệt yêu thích, ấn tượng với bài thơ “Lượm”. Trước hết, về nội dung, bài thơ viết về đề tài kháng chiến cùng tình cảm yêu thương của tác giả đối với chú bé liên lạc. Hình ảnh chú bé Lượm hiện lên một cách chân thực, rõ nét với vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất. Đó là nét đẹp trong sáng dễ thương và sự hồn nhiên, vô tư, lạc quan cùng tinh thần dũng cảm, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp đến, về hình thức, bài thơ sử dụng nhiều yếu tố tự sự, miêu tả, phù hợp với việc thể hiện nội dung kể chuyện về hành trình đưa thư đầy dũng cảm của chú bé Lượm. Ngoài ra, hệ thống từ láy giàu sức gợi hình, hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi,… tô đậm được vẻ đẹp hình tượng nhân vật. Qua bài thơ, em càng thêm kính mến, cảm phục trước thái độ gan dạ, dũng cảm của Lượm. Tác phẩm cũng hướng em đến lối sống biết ơn đối với các thế hệ đi trước, những người đã không ngại hi sinh, gian khổ vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
2. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm – mẫu số 2:
Khi đọc bài thơ “Lượm”, hình ảnh chú bé liên lạc đã để lại cho em những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Hình ảnh chú bé nhỏ nhắn, với đôi chân nhanh nhẹn cùng cái đầu hơi nghiêng, hướng mắt về trời cao khiến người đọc không thể nào quên. Chỉ cần nhắc đến bài “Lượm” thôi, dáng vẻ của chú ngay lập tức hiện lên trong trí tưởng tượng của em. Ngoại hình ấy gợi lên cho em cảm nhận về sự dễ thương, trong sáng. Bên cạnh đó, em còn đặc biệt ấn tượng trước vẻ đẹp phẩm chất, tính cách của chú bé Lượm. Trước hết, đó sự vô tư, lạc quan, hồn nhiên. Điều này được thể hiện qua hình ảnh chiếc mũ ca lô đội lệch và hành động “Mồm huýt sáo vang/ Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng…”. Được hoạt động cách mạng, Lượm vô cùng phấn khởi, hào hứng, cảm thấy “Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà!”. Lượm còn hiện lên với nụ cười “híp mí” cùng chiếc “má đỏ bồ quân”. Đó chính là niềm say mê với nhiệm vụ và kháng chiến. Mặc dù hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, khó khăn “Đạn bay vèo vèo” nhưng Lượm không hề sợ hãi. Chiếc ca lô nhỏ vẫn từng bước đi trên đồng. Bởi đây là một nhiệm vụ đặc biệt, rất gấp gáp, khẩn cấp, cần được gửi đến người nhận ngay. Cuối cùng, Lượm đã hi sinh đầy dũng cảm, để lại nỗi thương xót cho nhân vật trữ tình cũng như người đọc. Có thể nói, nội dung của bài thơ đã gợi cho em cảm xúc, tình cảm trân trọng, biết ơn đối với những chú bé liên lạc, những người lính đã không ngại gian khổ, góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hệ thống từ láy giàu sức gợi hình cùng hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, nhà thơ Tố Hữu muốn bày tỏ tình yêu thương, kính mến đối với chú bé liên lạc nói riêng và người lính nói chung. Qua tác phẩm, em càng thêm biết ơn những thế hệ đi trước.
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm đạt điểm cao
3. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm – mẫu số 3:
Trong tất cả các sáng tác của Tố Hữu, em vô cùng ấn tượng với vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất của chú bé Lượm. Lượm hiện lên thật chân thực, rõ nét qua ngòi bút đầy tinh tế. Trong đôi mắt của nhân vật trữ tình, Lượm có dáng người nhỏ nhắn cùng đôi má ửng hồng như trái bồ quân. Không những thế, Lượm còn hết sức nhanh nhẹn với đôi chân “thoăn thoắt” và cái đầu “nghênh nghênh”, hơi nghiêng về một phía, ánh mắt hướng lên cao. Qua cách miêu tả của tác giả, em thấy ngoại hình của chú bé Lượm hiện lên thật dễ thương, trong sáng. Điều em đặc biệt ấn tượng, yêu thích ở Lượm đó chính là phẩm chất, tính cách tốt đẹp. Lượm mang trong mình sự vô tư, lạc quan, hồn nhiên của một đứa trẻ. Điều này được thể hiện rõ qua hành động “huýt sáo vang”, “nhảy trên đường vàng”. Trong cuộc trò chuyện với nhân vật trữ tình, Lượm bày tỏ sự phấn khởi, hào hứng khi đi làm liên lạc, cảm thấy “Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà”. Đó chính là niềm say mê, yêu thích đối với công việc, với cách mạng. Dù còn nhỏ tuổi nhưng Lượm lại vô cùng gan dạ, không sợ hiểm nguy. Chiến tranh khốc liệt, cái chết luôn rình rập khi đạn bay “vèo vèo” trên đầu song Lượm không chút sợ hãi, chiếc ca lô vẫn “nhấp nhô trên đồng”. Lượm quên mình vì nhiệm vụ, cố gắng đưa bức “thượng khẩn” nhanh chóng, chính xác. Ẩn sâu trong thân hình nhỏ nhắn ấy là tình cảm dành cho quê hương, đất nước sâu nặng. Công việc của Lượm đã góp phần vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc to lớn. Để thể hiện một cách sâu sắc nội dung, tác giả đã sử dụng hệ thống từ láy giàu sức gợi hình, hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, kết cấu đầu cuối tương ứng đặc sắc, biện pháp nói giảm nói tránh “Hồn bay giữa đồng…”, so sánh “Như con chim chích” cùng sự kết hợp giữa yếu tố miêu tả với tự sự, biểu cảm. Đọc bài thơ, em càng thêm ngưỡng mộ, cảm phục trước tinh thần anh dũng, kiên cường của chú bé Lượm.
4. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm – mẫu số 4:
Bài thơ “Lượm” của Tố Hữu là một bài thơ hay và vô cùng ý nghĩa. Với thể thơ bốn chữ giản dị, thân thuộc, tác phẩm đã đưa đến cho người đọc hình ảnh chú bé vô cùng dũng cảm. Ngay trong khổ thơ đầu, ta bắt gặp Lượm vui vẻ, hồn nhiên đi làm nhiệm vụ. Vượt qua chiến trường với “đạn bay vèo vèo”, trên tay cầm bức thư khẩn, chú bé vẫn rất thoải mái “sợ chi hiểm nghèo”. Vậy nhưng chi tiết “bỗng lòe chớp đỏ” đã đánh tan khung cảnh đẹp đẽ kia: “Chú đồng chí nhỏ/Một dòng máu tươi”. Sự ra đi của Lượm khiến cho tâm trạng của độc giả chùng xuống. Hai khổ thơ: “Chú bé loắt choắt/…/Nhảy trên đường vàng” xuất hiện ở cả đầu và cuối tác phẩm, nhưng lại mang theo những xúc cảm trái ngược. Nếu như ban đầu đó là lời giới thiệu đầy thương yêu thì khi kết bài thơ, nó lại là sự tiếc thương, đau xót cho một chú bé hi sinh khi còn quá trẻ. Bằng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hình ảnh quen thuộc, tác giả đã làm nổi bật sự nhí nhảnh, hồn nhiên của chú bé liên lạc. Đồng thời, khắc họa được thực tế đau xót của chiến tranh. Có thể nói, Lượm chính là hình tượng tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, dũng cảm của nhân dân ta trong công cuộc gìn giữ độc lập dân tộc.
5. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm – mẫu số 5:
“Lượm” là một tác phẩm giàu ý nghĩa được Tố Hữu sáng tác trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã mang đến những hình ảnh chân thực về chú bé liên lạc vô tư, hồn nhiên. Chú luôn xuất hiện với “cái xắc xinh xinh”, “cái đầu nghênh nghênh”, “ca-lô đội lệch” hết sức đáng yêu. Dù trên đường làm nhiệm vụ phải băng qua chiến trường hiểm nguy với “đạn bay vèo vèo”, chú bé vẫn hết sức lạc quan, yêu đời. Với đôi chân “thoăn thoắt” chạy trên “đường vàng”, Lượm luôn hoàn thành công việc một cách nhẹ nhàng, xuất sắc, mặc kệ những “hiểm nghèo” nơi trận mạc. Cậu cho rằng việc đi liên lạc như vậy còn “vui hơn ở nhà”. Thế nhưng “bỗng lòe chớp đỏ”, “chú bé loắt choắt” nay đã hi sinh. Hình ảnh thơ: “Chú đồng chí nhỏ/Một dòng máu tươi” chứa đầy sự thương xót của tác giả dành cho người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi ấy. Hình ảnh chú bé hồn nhiên, vô tư, líu lo nhảy chân sáo tiếp tục xuất hiện ở cuối bài thơ đã mang đến xúc cảm nghẹn ngào khó nói. Sự hi sinh của Lượm là một trong vô vàn những mất mát mà dân tộc ta phải đánh đổi để có được cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày hôm nay. Lượm là đại diện cho một thế hệ trẻ, dù phải bỏ lại sau lưng gia đình, tuổi thơ, ước mơ nhưng vẫn quyết tâm ra tiền tuyến, góp sức vào công cuộc giành lại độc lập, tự do cho nước nhà. Qua đó, ta lại càng thêm biết ơn công lao của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Đồng thời, biết trân trọng sự bình yên, hạnh phúc bây giờ.
6. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm – mẫu số 6:
Với bài thơ “Lượm”, Tố Hữu đã đem đến cho bao thế hệ độc giả bức tranh về chú bé liên lạc nhỏ tuổi. Ngay từ những khổ thơ đầu tiên, hình ảnh Lượm hiện lên thật vui tươi, hồn nhiên: “Chú bé loắt choắt/…/Nhảy trên đường vàng”. Khi kể về công việc của mình, Lượm “cười híp mắt”, bảo rằng ở đây “vui hơn ở nhà”. Một chiến trường ác liệt với “đạn bay vèo vèo” mà cậu lại có thể vô tư “sợ chi hiểm nghèo”. Điều đó đã cho chúng ta thấy được sự dũng cảm, can trường của một cậu bé, một chiến sĩ nhỏ tuổi. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ ở Hàng Bè, nhân vật trữ tình phải nhận tin dữ về người “đồng chí” đặc biệt của mình “Bỗng lòe chớp đỏ/…/Một dòng máu tươi”. Bom đạn đã cướp đi sinh mạng của Lượm. Những câu thơ: “Ra thế/Lượm ơi!”, “Thôi rồi, Lượm ơi!” càng làm rõ hơn sự bàng hoàng, tiếc thương của nhân vật trữ tình. Chú bé hồn nhiên, vô tư ngày nào giờ đây đã mãi mãi nằm xuống nơi “đường vàng”. Không còn những tiếng huýt sáo, không còn chiếc ca-lô nhấp nhô trên cánh đồng nữa. Sự ra đi của Lượm đã để lại một khoảng trống khó lấp đầy. Với hình ảnh thơ giản dị, gần gũi cùng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, súc tích, tác giả đã khiến tác phẩm dễ dàng đi sâu vào tâm trí độc giả, để lại những ấn tượng sâu sắc, khó quên. Qua đó, ta lại càng thêm biết ơn những thế hệ đi trước đã hi sinh để đổi lại bầu trời hòa bình hôm nay của đất nước.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
https://thuthuat.taimienphi.vn/phat-bieu-cam-nghi-ve-bai-tho-luom-74289n.aspx Bài thơ Lượm không những diễn tả được sự khốc liệt chiến tranh mà còn cho thấy sự hi sinh cao cả của những chú bé liên lạc trong kháng chiến chống Pháp. Hãy tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 6 trong chương trình Ngữ văn 6 Cánh Diều như– Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ– Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Gấu con chân vòng kiềng