Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật hay nhất
Đề bài: Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Viết đoạn văn khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật ngắn, hay
I. Dàn ý Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính- Khái quát nội dung Khổ cuối của bài
2. Thân bài
* Tái hiện hình ảnh những chiếc xe đi ra từ trong bom rơi:– Những chiếc xe chuyên chở quân lương, vũ khí viện trợ cho miền Nam bị tàn phá đến mức méo mó, biến dạng:- Điệp từ “không” kết hợp với phép liệt kê: không có kính, không có đèn, không có mui gợi ra hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh.→ Bom đạn và sự hủy diệt của kẻ thù in hằn dấu tích trên những chiếc xe, khiến những chiếc xe vốn thiếu thốn “không có kính” lại càng trở nên méo mó, không còn nguyên vẹn.- Nhịp thơ 3/2/3, 4/4 được thay đổi linh hoạt làm cho câu thơ toát lên chất thơ, chất lính và cả cái hóm hỉnh, lạc quan của những người lính lái xe.
* Vẻ đẹp của những người lính lái xe:– Luôn lạc quan, chủ động làm chủ hoàn cảnh- “Xe vẫn chạy” gợi hình dung về đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường Trường Sơn đồng thời thể hiện quyết tâm chiến đấu, quyết không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh của những người lính.- Tiếng gọi của miền Nam, tiếng gọi của Tổ Quốc đã mang đến sức mạnh và quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ cho những người lính.- Đối lập với những cái không có, cái thiếu thốn của hoàn cảnh, phương tiện chiến đấu là một cái có của tình yêu nước và lí tưởng chiến đấu.- “Trái tim” vừa là ẩn dụ vừa là hoán dụ chỉ tình yêu nước, là ý chí, quyết tâm chiến đấu vì miền Nam của những người lính lái xe.=> Tái hiện được tình yêu nước và tinh thần thời đại của những người lính lái xe
3. Kết bài
Khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ.
II. Đoạn văn Cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay đạt điểm cao
Hình ảnh người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật tái hiện rất rõ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Đặc biệt, ở khổ thơ cuối, tác giả đã làm nổi bật tinh thần chiến đấu kiên cường của người lính trong chiến tranh ác liệt. Ở câu thơ đầu, hình ảnh chiếc xe hiện lên mang hình dạng méo mó, tà tạ. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ liệt kê “kính”, “đèn”, “mui xe” kết hợp với điệp từ “không” được lặp lại ba lần để nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh. Chính bom đạn đã phá hủy đi những bộ phận quan trọng của chiếc xe, khiến cho thùng xe đầy vết xước chằng chịt. Nhưng những khó khăn đó không thể làm lung lay được ý chí chiến đấu của người chiến sĩ. Mặc kệ những thiếu thốn về vật chất “xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Họ lái xe vượt qua những nguy hiểm chỉ vì mong một ngày miền Nam sẽ được độc lập, tự do. Tinh thần chiến đấu đó còn được thể hiện rất rõ ở câu thơ cuối “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Chính lòng căm thù giặc, lòng yêu nước tha thiết là sức mạnh để người lính cầm chắc tay lái vượt qua mọi chông gai. Như vậy, trong khổ thơ cuối, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cho chúng ta cảm nhận được ý chí chiến đấu kiên cường cùng sự lạc quan đáng quý của người lính trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước.
III. Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất ngắn gọn (Chuẩn)
1. Bài văn Cảm nhận về khổ thơ cuối bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn – Mẫu 1
Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, bởi vậy những áng thơ văn của ông đều được “gieo mầm” trên mảnh đất hiện thực màu mỡ và được nuôi dưỡng bằng chính những trải nghiệm và tình cảm thực tế của một người chiến sĩ. Phạm Tiến Duật viết nhiều, viết rất hay về những người lính dũng cảm, kiên cường, coi thường gian khổ, tiêu biểu nhất có thể kể đến là Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bài thơ viết về những chiếc xe bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, từ đó làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của những người lính lái xe. Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, chân dung người lính được hoàn thiện với vẻ đẹp của ý chí, quyết tâm chiến đấu không gì có thể thay đổi của những người lính để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong không khí mưa bom bão đạn, những chiếc xe chuyên chở quân lương viện trợ cho miền Nam bị tàn phá đến mức méo mó, biến dạng:
Không có kính, rồi xe không có đèn,Không có mui xe, thùng xe có xước,
Điệp từ “không” kết hợp với phép liệt kê: không có kính, không có đèn, không có mui gợi ra hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh. Bom đạn và sự hủy diệt của kẻ thù in hằn dấu tích trên những chiếc xe, khiến những chiếc xe vốn thiếu thốn “không có kính” lại càng trở nên méo mó, không còn nguyên vẹn: không đèn, không mui, thùng xe bị xước. Nhịp thơ 3/2/3, 4/4 được thay đổi linh hoạt nên dù nói về hoàn cảnh khó khăn cùng những mất mát do chiến tranh mang lại nhưng câu thơ vẫn toát lên chất thơ, chất lính và cả cái hóm hỉnh, lạc quan của những người lính lái xe.
Chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt, hiểm nguy, ngay cả phương tiện chiến đấu là những chiếc xe cũng bị phá hủy đến tàn tạ, mất đi hình dáng ban đầu thì những người lính lái xe vẫn không nhụt chí, e sợ mà vẫn luôn lạc quan, chủ động làm chủ hoàn cảnh. Đoàn xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:Chỉ cần trong xe có một trái tim.
“Xe vẫn chạy” không chỉ gợi hình dung về đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường Trường Sơn để vào chi viện cho miền Nam ruột thịt mà còn thể hiện quyết tâm chiến đấu, quyết không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh của những người lính. Chỉ cần còn một hơi thở, những người lính vẫn giữ vững một niềm tin, một tinh thần quật cường vào tương lai tươi sáng của cuộc đấu tranh. Tiếng gọi của miền Nam, tiếng gọi của Tổ Quốc đã mang đến sức mạnh và quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ cho những người lính.
Hai câu thơ cuối cùng của bài đã tái hiện sống động vẻ đẹp của những người lính lái xe. Đó là những người lính gan dạ, kiên cường, không quản những khó khăn gian khổ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy và cái chết kề cận để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Tổ quốc giao phó: đấu tranh giải phóng đất nước. Có thể nói nhà thơ Phạm Tiến Duật đã rất thành công khi tái hiện được tình yêu nước và tinh thần thời đại của những người lính lái xe “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu”.
Đối lập với những cái không có, cái thiếu thốn của hoàn cảnh, phương tiện chiến đấu là một cái có. Đó chính là trái tim ấm nóng của người lính. Hình ảnh “một trái tim” được coi là kết tinh đẹp đẽ nhất cho toàn bộ nội dung tư tưởng của bài thơ. Trái tim vừa là ẩn dụ vừa là hoán dụ chỉ tình yêu nước, là ý chí, quyết tâm chiến đấu vì miền Nam của nững người lính lái xe. Chính tình yêu nước, lòng căm thù giặc đã giúp những người lính vững tay lái, sôi sục quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Như vậy, trong khổ thơ cuối, nhà thơ Phạm Tiến Duật một lần nữa gợi mở trước mắt người đọc chân dung méo mó, thiếu thốn của những chiếc xe: không kính, không mui, không đèn để từ những cái không có ấy, nhà thơ làm nổi bật vẻ đẹp của ý chí và lòng quyết tâm của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn xưa: gan dạ, kiên cường, không quản khó khăn, gian khổ.
2. Bài văn Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn – Mẫu số 2
2.1. Dàn ý Phân tích khổ cuối của Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
2.1.1. Mở bài: – Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.- Khái quát nội dung khổ thơ cuối. 2.1.2. Thân bài: a) Hình ảnh những chiếc xe từ trong bom rơi:– Biện pháp tu từ liệt kê: “kính, đèn, mui xe”, – Điệp từ: “Không”.=> Nhấn mạnh hình ảnh tàn tạ, méo mó của những chiếc xe do sự tàn phá của chiến tranh. b) Tinh thần chiến đấu của người lính:– “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”: Sẵn sàng chiến đấu để mang lại độc lập cho miền Nam.- “Trái tim”: Hình ảnh hoán dụ cho tình yêu nước, ý chí kiên cường của người lính.=> Dù có bao nhiêu khó khăn, vất vả người lính vẫn lái xe băng băng tiến về phía trước để mong một ngày mai đất nước được thống nhất.2.1.3. Kết bài:– Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của khổ cuối “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”: + Nội dung: Tinh thần chiến đấu dũng cảm cùng ước mơ cao đẹp của những người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.+ Nghệ thuật: Sử dụng thành công các biện pháp tu từ, hình ảnh thơ đặc sắc, ý nghĩa.- Liên hệ mở rộng.
2.2. Bài văn Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất:
Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” tiêu biểu cho sáng tác của ông trong giai đoạn đó. Bài thơ đã làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe dũng cảm trên tuyến đường Trường Sơn. Đặc biệt, ở khổ thơ cuối, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được những khó khăn mà người chiến sĩ gặp phải trong khi thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, ngợi ca tình yêu nước, ý chí chiến đấu của người lính.
Trong thời điểm cuộc chiến đấu đang diễn ra gay go, ác liệt, những chiếc xe bị tàn phá nặng nề:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước”
Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê “kính, đèn, mui xe” kết hợp với điệp từ “không”, tác giả đã nhấn mạnh hình ảnh những chiếc xe méo mó, tàn tạ bước ra từ chiến trường khốc liệt. Con đường Trường Sơn vốn đã gập ghềnh, giờ chiếc xe lại còn thiếu đủ thứ càng làm công cuộc di chuyển của người lính gặp thêm nhiều khó khăn.
Gian khổ là vậy nhưng có lẽ không gì có thể làm chùn bước những đoàn xe. Họ vẫn cứ nối đuôi nhau, băng băng tiến về miền Nam ruột thịt:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Mặc kệ làn mưa bom bão đạn, những người lính lái xe vẫn vững chắc tay lái. Bước vào cuộc chiến với tinh thần yêu nước, người lính luôn đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ bởi họ tin rằng lòng yêu nước, ý chí chiến đấu sẽ giúp mình chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Hai câu thơ cuối đã tái hiện hình ảnh tuyệt đẹp về người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Tinh thần đó khiến chúng ta nhớ những vần thơ của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hay điều đó còn thể hiện rất rõ trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu: “Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Tất cả đều nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó đáng ngưỡng mộ của những con người thời chiến.
Bằng việc sử dụng kết hợp biện pháp tu từ điệp từ và liệt kê, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật hiện thực tàn khốc của chiến tranh. Nhưng vượt lên trên tất cả, những người lính lái xe vẫn hiên ngang tiến về phía trước. Qua đó, khiến người đọc càng thêm trân trọng, biết ơn công lao của thế hệ đi trước.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-cuoi-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-66239n.aspx Phân tích khổ cuối “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” giúp chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước, ý chí chiến đấu của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Khi tìm hiểu về Bài thơ về tiểu đội xe không kính, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận của em về Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính để củng cố thêm những kiến thức hữu ích cho mình.