Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất chọn lọc

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc

phan tich kho 3 bai tho viet bac

Phân tích, Cảm nhận khổ 3 Việt Bắc siêu hay

I. Dàn ý Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc, khổ thơ thứ ba.

2. Thân bài

– Khái quát: khổ thơ là lời của người ở lại bày tỏ những tình cảm, nỗi nhớ thương với người ra đi.

– Người ở lại nhắc đến những kỷ niệm của một thời gian khổ đã qua:+ “Mưa nguồn”, “suối lũ”: thời tiết khắc nghiệt+ “Miếng cơm chấm muối”, “mối thù nặng vai”: Hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn → Những kỉ niệm một thời chiến khu đồng cam cộng khổ, cùng chung mối thù.

– Người ở lại bày tỏ nỗi nhớ và tình cảm sâu nặng với người ra đi.+ Nỗi nhớ diễn tả qua phép hoán dụ: “rừng núi nhớ ai”+ Bày tỏ tình cảm bằng phép tương phản: “hắt hiu lau xám – đậm đà lòng son”.

– Lời dặn dò, nhắc nhở của người ra đi:+ Dặn người cách mạng phải luôn nhớ về rừng núi, thiên nhiên.+ Nhắc nhở phải biết giữ gìn bản chất cách mạng trong con người mình.

– Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật:

+ Nội dung: Lời nhắn nhủ của người ở lại với người ra đi.

+ Nghệ thuật:

  • Thể thơ lục bát.
  • Lối kết cấu.
  • Kết hợp nhiều biện pháp tu từ.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị đoạn thơ, bài thơ và tài năng nghệ thuật của tác giả

II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc hay nhất của học sinh giỏi (Chuẩn)

1. Bài văn Phân tích khổ 3 Việt Bắc học sinh giỏi ngắn nhất số 1

1.1. Dàn ý phân tích nội dung khổ 3 Việt Bắc:1.1.1. Mở bài:– Giới thiệu về bài thơ “Việt Bắc” và tác giả Tố Hữu.- Khái quát nội dung khổ thơ thứ ba: Trong giờ phút chia li, kỉ niệm về những ngày đầu của cuộc kháng chiến bỗng ùa về trong lòng của người ra đi, người ở lại. 1.1.2. Thân bài:a) Kết cấu đoạn thơ: + Thể thơ lục bát và cách xưng hô “mình” – “ta” lồng trong câu hỏi tu từ -> Thể hiện mối quan hệ gần gũi, gắn bó, yêu thương tình nghĩa.+ Điệp khúc “có nhớ”: nhạy cảm với hoàn cảnh đổi thay và nỗi niềm sợ bị lãng quên, người ở lại đã lên tiếng trước để vừa gửi gắm nỗi băn khoăn, nghi ngại về tình cảm của người đi, vừa gợi nhắc những kỉ niệm gắn bó, những cội nguồn nghĩa tình.b) Bốn câu thơ đầu: Gợi nhắc về thời kì đầu kháng chiến đầy gian khổ:– Thời tiết, khí trời Việt Bắc: “Mưa nguồn”, “suối lũ”, “mây cùng mù”.- Những năm tháng vất vả gian lao với hoàn cảnh chiến đấu còn thiếu thốn nhưng quân dân ta vẫn luôn nhớ đến nhiệm vụ mà cả đất nước phải hoàn thành. => Những hình ảnh rất chân thực, vừa gợi được nỗi khó khăn trong những ngày đầu kháng chiến, vừa cụ thể hóa được mối thù chung của dân tộc. c) Bốn câu thơ tiếp theo: Gợi nhắc về tình cảm quân – dân gắn bó:– “Trám bùi để rụng, măng mai để già”: chi tiết “mượn cái thừa để nói cái thiếu”. Diễn tả cảm giác trống vắng, gợi nhắc quá khứ sâu nặng. – “Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”: phép đối gợi nhắc đến những con người tuy sống trong cảnh nghèo khó nhưng giàu tình nghĩa, thủy chung với Cách mạng. d) Lời dặn dò, nhắc nhở của người ở lại dành cho người ra đi:– Liệt kê một loạt các địa danh nhằm khẳng định Việt Bắc chính là cái nôi của cách mạng. Từ thời “kháng Nhật”, “Việt Minh” đến cuộc chiến đấu chống Pháp gian khổ.- “Mình đi mình có nhớ mình”: ý thơ đa nghĩa, cả người đi lẫn người ở lại đều gói gọn trong một chữ “mình”. Mình là một cũng là hai, là hai nhưng cũng như một vì sự gắn bó sâu sắc trong kháng chiến.=> Chân dung một Việt Bắc gian nan mà nghĩa tình, hào hùng, mạnh mẽ trong nỗi nhớ của người ra đi. e) Nghệ thuật: – Thể thơ lục bát như đang tâm tình, tiễn biệt.- Hình ảnh thơ độc đáo, khái quát, dễ liên tưởng.- Điệp từ “mình đi, “mình về”, “có nhớ” như nhắc nhở người ra đi đừng quên mất nơi này. 1.1.3. Kết bài:– Khái quát lại nội dung và nghệ thuật khổ 3.

1.2. Bài văn mẫu Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc:

Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam với số lượng tác phẩm đồ sộ. Ấn tượng hơn cả chính là bài thơ “Việt Bắc” được viết trong bối cảnh vô cùng đặc biệt. Đó là sau khi giành được chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Trung ương, Chính phủ phải rời thủ đô kháng chiến để trở về Hà Nội. Bài thơ viết trong hoàn cảnh chia ly nên thấm đẫm tình cảm lưu luyến, bịn rịn không rời. Khổ thơ thứ ba trong bài chính là lời của người ở lại nhắn nhủ tới người ra đi trong giờ phút chia lìa:

Đọc thêm:
Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải

“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai ?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa ?”

Cách xưng hô “mình” – “ta” thể hiện mối quan hệ gần gũi, gắn bó, yêu thương tình nghĩa giữa người ra đi và người ở lại. Câu hỏi tu từ kết hợp với điệp từ “có nhớ” lặp đi lặp lại thể hiện sự sợ hãi hoàn cảnh đổi thay, sợ những người ra đi sẽ lãng quên cảnh và tình người Việt Bắc. Từ đó, người ở lại đã cất lên tiếng lòng nhắc về những kỉ niệm gắn bó, nghĩa tình trong những năm kháng chiến. Trong khổ thơ này, khung cảnh thiên nhiên và tình cảm con người được tác giả khéo léo lồng ghép trong từng cặp lục bát.

Ở bốn câu thơ đầu tiên trong khổ ba, người ở lại đã gợi nhắc về những ngày đầu kháng chiến đầy gian khổ. Đó là lúc mưa nhiều, thời tiết quanh năm mây mù ảm đạm “Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù”. Những năm tháng đó đầy vất vả gian lao, hoàn cảnh cực kì thiếu thốn, đói kém. Bữa cơm ở chiến khu chẳng có gì ngoài “miếng cơm chấm muối” cùng san sẻ cho nhau. Thế nhưng, dù có khó khăn thế nào, người chiến sĩ cách mạng vẫn không bao giờ quên nhiệm vụ của mình. Họ nằm gai nếm mật, chờ đợi thời cơ chín muồi để trả lại “mối thù” dân tộc. Những hình ảnh thơ chân thực, được chọn lọc kĩ càng vừa gợi ra được nỗi khó khăn trong kháng chiến, vừa cụ thể hóa mối thù chung của dân tộc.

Bốn câu thơ tiếp theo, người ở lại đã nhắc nhớ về tình cảm quân dân gắn bó, thân thiết. Khi vắng người chiến sĩ, “rừng núi” cũng như có cảm xúc buồn rầu, chán nản, để mặc cho “trám rụng”, “măng già”. Hay “rừng núi” chính là sự ẩn dụ cho những người dân Việt Bắc, cho tấm lòng thương nhớ của họ. Trám và măng là những đặc sản thường xuất hiện trong bữa cơm của người chiến sĩ. Khi họ không còn ở đây nữa, chúng cứ như vậy mà rụng, già đi dần. Ở đây, tác giả đã mượn cái thừa của vật chất để nói lên cái thiếu của tinh thần, thiếu vắng hình bóng con người. Người ở lại còn nhắc nhở người ra đi phải luôn nhớ đến những mái nhà ẩn sau màn lau xám hắt hiu. Những mái nhà đó tuy nghèo khổ, khó khăn nhưng vẫn một lòng thủy chung, son sắt với Cách mạng. Trong những năm kháng chiến gian khổ, chính họ là người nuôi giấu quân, giúp đỡ bộ đội ta đánh giặc. Những con người trong mái nhà ấy yêu quý người chiến sĩ như con cái mình “Bao bà cụ từ tâm như mẹ/Yêu quý con như đẻ con ra”. Phép đối tương phản khiến cho câu thơ tràn đầy xúc động, nghẹn ngào vì tấm lòng của người dân nơi núi rừng Tây Bắc.

Bốn câu thơ cuối là lời dặn dò đừng quên mất cội nguồn Cách mạng. Tác giả đã liệt kê các địa danh như Tân Trào, Hồng Thái nhằm khẳng định Việt Bắc chính là cái nôi của Cách mạng. Khi Hồ Chủ tịch chuyển từ hang Pác Bó sang căn cứ địa Cách mạng Tân Trào, đình Hồng Thái chính là nơi đầu tiên người dừng chân. Trong những chống Pháp, đây cũng là nơi Trung ương, Chính phủ cùng với Bác luận bàn, chỉ đạo cuộc chiến của nhân dân ta. Cây đa Tân Trào cũng là một chứng nhân lịch sử trong những giai đoạn quan trọng của cuộc chiến. Ngay dưới gốc đa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, đưa quân Giải phóng tiến về Hà Nội. Vậy là, từ khi “kháng Nhật”, “Việt Minh” đến cuộc chiến đấu chống Pháp đầy gian khổ, Việt Bắc chính là nơi chúng ta xây dựng, nuôi dưỡng quân đội, là đầu não của cuộc kháng chiến. Câu hỏi “Mình đi mình có nhớ mình” là một ý thơ đa nghĩa. Cả người ra đi lẫn người ở lại đều gói gọn trong một chữ “mình”. Mình là một nhưng cũng là hai, là hai cũng như một vì sự gắn bó sâu sắc trong kháng chiến. Vậy là, chỉ trong khổ thơ thứ ba, chân dung một Việt Bắc gian nan mà đầy nghĩa tình, hào hùng, mạnh mẽ trong nỗi nhớ của người ra đi đã được khắc họa thật chân thực .

Khổ thơ thứ ba trong “Việt Bắc” tuy ngắn nhưng đã tái hiện được chín năm gian khó mà những người cán bộ cùng đồng bào Việt Bắc đã trải qua. Từ đó người đọc thấy rõ được tình yêu thương, đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân. Rời xa Việt Bắc có lẽ là điều tiếc nuối rất lớn với người ra đi và cả người ở lại. Thế nhưng, chắc chắn rằng những con người đó sẽ luôn tự hào vì những năm tháng gian khổ nhưng không hề bỏ cuộc, vì tinh thần quyết chiến quyết thắng, giải phóng dân tộc.

Đọc thêm:
Dàn ý phân tích tác phẩm Tiếng mẹ đẻ- Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

Tố Hữu là một người cán bộ đã sống và chiến đấu tại Việt Bắc trong chín năm chống Pháp gian khổ. Chính vì vậy, “Việt Bắc” chính là tâm sự, là nỗi lòng chân thực của ông với thiên nhiên và con người nơi đây. Em có thể tham khảo thêm các bài mẫu khác về bài thơ như: Phân tích đoạn thơ sau: “Những đường Việt Bắc của ta…Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng” trong bài Việt Bắc; Phân tích 20 câu đầu bài thơ Việt Bắc; Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc.

2. Bài văn Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc siêu hay số 2

Có thể nói, bài thơ Việt Bắc là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất khẳng định vị trí của Tố Hữu trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Việt Bắc không chỉ là một khúc hùng ca về cuộc kháng chiến vĩ đại, gian khổ và hào hùng của toàn dân tộc mà còn là khúc tình ca ca ngợi tình cảm sâu nặng giữa người cán bộ với quần chúng, giữa người miền ngược với người miền xuôi. Nghĩa tình sâu nặng ấy được thể hiện rất cụ thể, sinh động trong khổ thơ thứ ba.

Toàn bộ khổ thơ là lời của người ở lại, những câu thơ là chứa đựng tình cảm, nỗi nhớ của người ở lại với người ra đi hay chính là của người dân Việt Bắc với người cán bộ cách mạng. Trong bốn câu thơ đầu, người ở lại tái hiện về những kỉ niệm ngày xưa, kỉ niệm của một thời gian khổ đã qua:

“Mình đi, có nhớ những ngàyMưa nguồn suối lũ, những mây cùng mùMình về, có nhớ chiến khuMiếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?”

Người ở lại đang nhắc về những ngày tháng gian khổ khi phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng núi Việt Bắc. “Mưa nguồn, suối lũ” là hiện tượng tự nhiên đặc trưng của miền núi, mưa nguồn là những cơn mưa vùng thượng nguồn xối xả, bất chợt, hiện tượng đó thường gây nên tình trạng lũ quét, lũ ống, lũ suối. Hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt này chỉ ở vùng núi cao mới có, nó như một thảm họa luôn rình rập, đe dọa cuộc sống của con người. Bên cạnh đó còn có “mây mù”, người dân miền núi sống ở độ cao nên mây và sương mù dày đặc tạo nên một không gian giá buốt và cản trở nhiều hoạt động, che khuất tầm nhìn của con người. Cả hai hiện tượng trên đều là khó khăn lớn đối với người miền núi cũng như người miền xuôi, để khắc phục và thích nghi được, người cán bộ đã được người dân vùng chiến khu giúp đỡ, chia sẻ, vì thế những ngày tháng đó trở thành kỉ niệm đẹp của họ. Người ở lại còn nhắc về những kỉ niệm của một thời chiến khu đồng cam cộng khổ, phép tương phản giữa hoàn cảnh và ý chí: “miếng cơm chấm muối” với “mối thù nặng vai”. Giữa hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn, điều kiện chiến đấu đầy thử thách và vật chất nghèo nàn nhưng quân và dân vẫn vững vàng ý chí, sự đồng lòng, đoàn kết. Mối thù ấy chính là mối thù giặc ngoại xâm, là nhiệm vụ cách mạng lớn lao mà Đảng giao phó, không chỉ là mối thù của cán bộ cách mạng mà đã được nhân dân vùng cao chia sẻ, chung sức, luôn đồng lòng hợp sức nuôi dấu mối thù. Sau khi nhắc lại những kỉ niệm mà người ở lại luôn khắc ghi và nhớ mãi, người ở lại đã bày tỏ nỗi nhớ và tình cảm sâu nặng đối với người ra đi:

“Mình về, rừng núi nhớ aiTrám bùi để rụng, măng mai để giàMình đi, có nhớ những nhàHắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Trong hai câu đầu tiên, ta thấy được nỗi nhớ của người ở lại được diễn tả bằng phép hoán dụ, nói “rừng núi nhớ ai” là muốn nói không chỉ con người mà cả cây cỏ, cả núi cao rừng sâu cũng có chung nỗi nhớ với con người. “Trám bùi” và “măng mai” là những thức ăn quen thuộc của người dân miền núi nhưng theo nỗi nhớ ấy trám đã bị để mặc cho tự rụng, măng cũng tự mọc cho đến già. Câu thơ “Trám bùi để rụng, măng mai để già” diễn tả nỗi nhớ, sự trống vắng, hẫng hụt, lan tỏa khắp núi rừng, chi phối hoạt động sống của con người, nhớ đến mức ngẩn ngơ, thẩn thơ. Bên cạnh đó nỗi còn được thể hiện bằng phép tương phản “hắt hiu lau xám” và “đậm đà lòng son”, đó là sự tương phản giữa điều kiện vật chất với tình cảm, tấm lòng con người. Những mái nhà rạ, vật chất sơ sài, xiêu vẹo, hiu hắt nhưng tấm lòng của con người thì không sơ sài, “đậm đà” là một từ láy khẳng định độ sâu sắc, mặn nồng của tình cảm. Hình ảnh tương phản đã nhấn mạnh rằng, người dân Việt Bắc có vật chất nghèo nàn, đơn sơ nhưng không nghèo tình cảm, họ luôn dành cho người cán bộ một ân tình sâu nặng, một tấm lòng thủy chung. Qua lời bày tỏ của người ở lại, ta thấy được nỗi nhớ và tình cảm sâu sắc của người dân chiến khu dành cho cán bộ cách mạng về xuôi, đó là tình cảm lớn thể hiện nội dung yêu nước trong thơ của Tố Hữu. Cuối cùng, trong bốn câu thơ cuối, đó là lời dặn dò, nhắc nhở dành cho người ra đi:

Đọc thêm:
Phân tích Xã trưởng - Mẹ Đốp

“Mình về, còn nhớ núi nonNhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt MinhMình đi, mình có nhớ mìnhTân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

Người ở lại dặn dò người cách mạng phải luôn nhớ về cội nguồn, “nhớ núi non” chính là nhớ tới vùng đất gắn liền với một thời khổ mà hào hùng, “Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh” là nhớ về buổi đầu của cách mạng đầy gian khổ, hy sinh. Phải có những ngày tháng ấy mới có được nền hòa bình, phải có giai đoạn gian khổ mới có được những độc lập, hòa bình, người cán bộ phải luôn nhớ về điều đó, nhớ về cội nguồn của thành quả cách mạng. Đại từ “mình” được dùng ba lần trong câu thơ đều chỉ người ra đi, ý muốn nhắc nhở người cán bộ hãy biết tự nhìn lại mình, phải biết giữ gìn bản chất cách mạng trong con người mình. Những từ chỉ địa danh là đang gọi tên những vùng đất bất tử, Tân Trào, Hồng Thái đều gắn liền với những sự kiện trọng đại, là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng các tổ chức cách mạng và bản lĩnh người cán bộ. Giờ đây cuộc sống đổi thay, cương vị đổi thay nhưng bản chất cách mạng sẽ không bao giờ thay đổi, qua lời dặn dò và nhắc nhở người ở lại muốn người ra đi luôn khắc sâu ân tình với cội nguồn cách mạng. Đọc hết đoạn thơ thứ ba ta cảm nhận được tính dân tộc đậm đà. Thể thơ lục bát với nhịp đều đặn góp phần diễn tả nỗi nhớ thiết tha, cách gieo vần kết hợp vần chân – vần lưng, vần liên tiếp góp phần diễn tả nỗi nhớ miên man không dứt, thể hiện tình cảm tha thiết không dễ chia xa. Tác giả sử dụng đại từ “mình” để chỉ cả hai đối tượng, có khi “mình” là lời xưng với người ở lại, có khi lại là lời gọi người ra đi, cách sử dụng đó nhấn mạnh sự gắn kết bền chặt giữa kẻ ở và người đi. Bên cạnh tác giả còn kết hợp nhiều biện pháp tu từ, điệp từ “mình đi”, “mình về” nhấn mạnh sự thật về một cuộc chia ly, “có nhớ” và “còn nhớ” nhấn mạnh độ khắc khoải, độ day dứt của nỗi nhớ. Những từ láy giúp khắc sâu cảm xúc, những phép hoán dụ, tương phản giúp nhấn mạnh những kỉ niệm, kí ức được người ở lại giữ gìn, trân trọng, và cuối cùng là những từ chỉ địa danh giúp người đọc khắc sâu cội nguồn cách mạng.

Chính nội dung cách mạng và hình thức thơ mang tính dân tộc, ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian đã làm cho khổ thơ thứ ba nói riêng và bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu nói chung có hiệu quả to lớn, tác động sâu sắc vào tư tưởng, tình cảm của người đọc. Nhắc nhớ về ân tình chặng đường mười lăm năm đã qua của đất nước, hướng về tương lai tươi sáng, nhắc nhở tâm nguyện thủy chung.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-3-bai-tho-viet-bac-69618n.aspx Bên cạnh bài Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc, các em có thể tìm đọc những bài văn phân tích từng khổ thơ trong bài thơ Việt Bắc, việc tìm hiểu các bài phân tích từng khổ thơ sẽ giúp các em phân tích bài thơ được chặt chẽ, hấp dẫn hơn. Các em hãy cùng tham khảo: Phân tích khổ 5 bài thơ Việt Bắc, Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc, Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc, Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button