Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Đề bài: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Mẹo Phương pháp phân tích đoạn văn, đoạn thơ hay, độc đáo
I. Dàn ý Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở bài
– Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, thơ bà luôn giàu những xúc cảm suy tư trong trẻo của một người phụ nữ từng trải.- Sóng là một bài thơ xuất sắc viết về đề tài tình yêu với hình tượng sóng tượng trưng cho người phụ nữ trẻ trong hành trình tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm hạnh phúc đầy sôi nổi nhiệt huyết nhưng cũng không kém phần e ấp, tinh tế.
>> Tham khảo một số cách viết Mở bài Sóng hay.2. Thân bài* Khổ thơ đầu: “Dữ dội…tận bể”:– Bản chất của sóng chính là cá tính của người con gái khi yêu, vẫn giữ cho mình những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.- Xuân Quỳnh cũng mạnh mẽ thể hiện cái tôi cá nhân, người phụ nữ trở nên mạnh mẽ và chủ động hơn trong tình yêu để tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời.- Sóng còn là biểu tượng của tình yêu, lúc nồng nàn mãnh liệt, lúc lại yên bình, thấu hiểu…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh hay nhất (Chuẩn)
1. Bài văn Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh ngắn nhất hay số 1
1.1. Dàn ý phân tích hình tượng Sóng hay nhất:1.1.1. Mở bài: – Giới thiệu tác giả, tác phẩm.- Khái quát về hình tượng sóng.1.1.2. Thân bài: a) Hình tượng sóng bao trùm và xuyên suốt bài thơ:– Nghĩa thực: Con sóng với nhiều trạng thái mâu thuẫn, trái ngược nhau.- Nghĩa biểu tượng: Sóng như một vật thể có hồn, có tính cách tâm trạng, biết diễn tả những cung bậc tình cảm trong tâm hồn giống như người phụ nữ đang yêu. => Sóng là hình tượng ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu, là sự hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Sóng và em tuy hai mà một, có lúc tách rời, lúc lại hòa quyện vào nhau để diễn tả những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu.b) Hình tượng con sóng trong từng khổ thơ: * Sóng – bản chất và quy luật của người phụ nữ khi yêu:- Sóng mang trong mình những tính chất đối lập: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ -> Bản tính của người phụ nữ khi yêu.- Sóng không bằng lòng sống ở một nơi chật hẹp -> Khát vọng vươn tới sự tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.- Trước thời gian chảy trôi “ngày xưa – ngày sau”, những con sóng vẫn luôn dạt dào, sôi nổi, khát khao không gian bao la.=> Trái tim của tuổi trẻ cũng như những con sóng, luôn khao khát tình yêu mãnh liệt, “bồi hồi trong ngực” -> Đó là quy luật vĩnh hằng của tự nhiên.* Sóng – những trăn trở về cội nguồn tình yêu:- “Từ nơi nào sóng lên”: Tìm kiếm nguồn cội của sóng, thể hiện sự trăn trở muốn khám phá chính bản thân mình, người mình yêu và tình yêu.- Tác giả tự đặt câu hỏi và tự lí giải bằng quy luật của tự nhiên “Sóng bắt đầu từ gió” những vẫn không thể thấy được ngọn nguồn của sóng và tình yêu.- Tác giả đành thú nhận thật lòng “Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau?”. => Nguồn gốc của sóng và tình yêu đều bí ẩn, rất khó để lí giải, tìm kiếm. * Sóng – nỗi nhớ, lòng thủy chung của người phụ nữ khi yêu: – Khổ 5: Tình yêu đi liền với nỗi nhớ:+ Nỗi nhớ bờ của sóng bao trùm mọi phạm vi không gian, thời gian.+ Bày tỏ trực tiếp nỗi nhớ luôn thường trực trong suy nghĩ, ăn sâu vào tiềm thức “cả trong mơ còn thức”.=> Nỗi nhớ khiến con người cồn cào không yên.- Khổ 7: Quy luật tất yếu của “trăm ngàn con sóng” là tìm đến “bờ” dù có “muôn vời cách trở”, cũng như người phụ nữ khi yêu luôn hướng đến người mình yêu, tìm đến tình yêu đích thực dù phải trải qua muôn trùng thử thách. c) Nghệ thuật:– Bài thơ mang âm hưởng dạt dào của những con sóng, nhịp điệu tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, trong sáng.- Sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ, ẩn dụ, câu hỏi tu từ, nhân hóa. – Thành công trong việc xây dựng hình tượng sóng – hình tượng được nhắc đi nhắc lại trong bài với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhằm diễn tả cảm xúc, trạng thái của người con gái đang yêu. 1.1.3. Kết bài: – Khẳng định lại giá trị của hình tượng sóng trong tác phẩm. – Liên hệ mở rộng.
1.2. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng sóng trong bài Sóng (Xuân Quỳnh) hay nhất:
Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở trong các tác phẩm văn học. Xuân Quỳnh – một nữ thi sĩ với giọng thơ đằm thắm, ngọt ngào, mê say cũng đã viết rất nhiều bài thơ về chủ đề này. Nổi bật nhất trong đó là “Sóng” – bài thơ có hình tượng chính khá mới mẻ, độc đáo. Những con sóng đã được nhà thơ gán cho nhiều liên tưởng thú vị, góp phần không nhỏ làm nên thành công của tác phẩm.
“Sóng” là tên nhan đề, cũng là hình tượng bao trùm và xuyên suốt bài thơ. Xét theo nghĩa thực, đó là một hiện tượng tự nhiên. Sóng thường có nhiều trạng thái, đôi khi là trái ngược nhau. Trong bài thơ, hiện tượng này được thể hiện giống như một thực thể có linh hồn, có tính cách, tâm trạng. Nó chính là hình tượng ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu, là sự hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Sóng và em tuy hai mà một, có lúc tách rời, lúc lại hòa quyện vào nhau để diễn tả những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu.
Ở khổ thơ đầu tiên, đã thể hiện bản chất và quy luật muôn đời:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
…
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Sóng mang trong mình những tính chất đối lập: “Dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào”- “lặng lẽ”. Đây có lẽ cũng là trạng thái của người phụ nữ khi yêu. Họ có thể có một tình yêu dữ dội, mãnh liệt nhưng đôi khi cũng rất đằm thắm, dịu dàng. Tình yêu của họ có thể ồn ào, khiến tất cả mọi người phải chú ý nhưng cũng có khi lại lặng lẽ, một mình tận hưởng niềm hạnh phúc lứa đôi. Thế nhưng, có một quy luật không bao giờ thay đổi. Như sóng không bao giờ phát triển được ở một nơi chật hẹp, sợ “Sông không hiểu nổi mình”, sóng đành “tìm ra tận bể”. Từ muôn đời này, người phụ nữ cũng luôn có khao khát tìm kiếm tình yêu hoàn hảo, tuyệt vời dành riêng cho mình. Cho dù thời gian có chảy trôi từ “ngày xưa” hay đến “ngày sau”, trái tim của người con gái vẫn như những con sóng, luôn khao khát tình yêu. Khao khát ấy mãnh liệt, cháy bỏng “bồi hồi trong ngực trẻ”. Giống như sóng là một hiện tượng tự nhiên không bao giờ ngừng, tình yêu cũng sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian.
Đoạn thơ tiếp theo, tác giả đã thể hiện nỗi niềm trăn trở muốn tìm kiếm cội nguồn của tình yêu qua hình tượng sóng:
“Trước muôn trùng sóng bể
…
Khi nào ta yêu nhau”
Đứng trước những con sóng trên bãi biển Diêm Điền rộng lớn, nhà thơ bỗng nhiên thấy thắc mắc rằng “Từ nơi nào sóng lên”. Sau khi tự đặt câu hỏi, bà lại tự lí giải rằng “Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu?”. Câu trả lời không tường tận không thể thỏa mãn tâm trí tò mò của nữ sĩ, bà đành thú nhận thật lòng “Em cũng không biết nữa”. Nguồn gốc của sóng biển cũng bí ẩn và khó tìm kiếm giống như nguồn gốc của tình yêu vậy. Câu hỏi tìm kiếm cội nguồn của sóng cũng đã thể hiện nỗi niềm trăn trở muốn khám phá chính bản thân mình. Thế nhưng, những câu trả lời bình thường theo quy luật tự nhiên cũng không thể cho ta thấy được ngọn nguồn của sóng và tình yêu. Bà chỉ đành bày tỏ nỗi lòng mình “Khi nào ta yêu nhau?”. Hóa ra, việc tìm kiếm gốc rễ của vấn đề cũng chỉ để giải tỏa tâm trạng người con gái đang mờ mịt trước tình yêu đầy biến ảo khôn lường. Thế nhưng, nguồn gốc của sóng và của tình yêu đều rất bí ẩn, rất khó để tìm kiếm hay lí giải được.
Hình tượng của sóng tiếp tục gắn liền với tình yêu của người phụ nữ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Từ “nhớ” được lặp lại hai lần đã cho ta biết được nội dung, cảm xúc chung của khổ thơ này: nỗi nhớ của người con gái khi yêu. Nhà thơ đã nhắc đến “lòng sâu” và “trên mặt nước” để diễn tả nỗi nhớ bao trùm mọi không gian. Không những thể hiện tình cảm qua con sóng, tác giả còn trực tiếp nói lên nỗi lòng mình “Lòng em nhớ đến anh”. Nỗi nhớ ấy luôn thường trực, ám ảnh trong suy nghĩ, ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ đến mức “cả trong mơ còn thức”. Đây quả thực là một lời thơ hồn nhiên, thẳng thắn, thể hiện tâm trạng nhớ nhung, thủy chung của người con gái.
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Cuối cùng, Xuân Quỳnh khẳng định quy luật tất yếu của tự nhiên: Cho dù có “trăm ngàn con sóng”, dù có phải trải qua “muôn vời cách trở” thì tất cả chúng luôn luôn có thể tìm đến “bờ”. Cũng giống như trong tình yêu, người phụ nữ sẽ luôn luôn tìm kiếm một bến bờ hạnh phúc. Dù phải gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng chắc chắn họ sẽ tìm được đến “bờ” của riêng mình. Đây là một lời khẳng định, cũng chính là lời động viên của nhân vật “em” hãy cố gắng chiến đấu cho tình yêu của mình. Dù chưa biết “khi nào ta yêu nhau” thì cũng cứ luôn tin rằng có ngày “em” sẽ được hạnh phúc.
Nữ nhà thơ Xuân Quỳnh đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng sóng. Mỗi lần được nhắc đến, sóng đều mang những cung bậc cảm xúc khác nhau nằm diễn tả trạng thái của người con gái đang yêu. Không những thế, bài thơ còn mang âm hưởng dạt dào, nhịp điệu tự nhiên của những con sóng. Những biện pháp nghệ thuật như điệp ngữ, ẩn dụ, câu hỏi tu từ cũng góp phần giúp cho bài thơ có nhiều liên tưởng, tưởng tượng hấp dẫn.
Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng lấy sóng là ẩn dụ cho tình yêu, ông viết:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Hôn đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt”
Ta có thể thấy rõ sự phóng khoáng trong thơ Xuân Diệu khác hẳn với vẻ dịu dàng, nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Hồn thơ của bà đằm thắm, nhẹ nhàng hơn, cũng thể hiện những trăn trở, khát khao một cách kín đáo, ý nhị hơn. Có lẽ vì thế, hình tượng sóng trong bài thơ vừa gần gũi, lại vừa mơ hồ khó hiểu. Bài thơ đã khép lại nhưng những con sóng của tình yêu vẫn luôn cồn cào, bồi hồi trong lồng ngực của những cô gái trẻ không bao giờ ngừng nghỉ.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
“Sóng” là bài thơ thể hiện rất rõ nỗi trăn trở về tình yêu và cá tính thơ của Xuân Quỳnh. Mời em tham khảo thêm các bài mẫu khác như: Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh; Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài Sóng của Xuân Quỳnh; Phân tích bài thơ Sóng để chứng minh Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính…
2. Bài văn Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh siêu hay số 2
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, thơ bà luôn giàu những xúc cảm suy tư, lúc hạnh phúc lúc khổ đau, đặc biệt là khi viết về đề tài tình yêu trên cương vị một người phụ nữ từng đổ vỡ hôn nhân, lại tìm được hạnh phúc mới, với sự đằm thắm mặn mà của thiên chức làm mẹ, làm vợ. Xuân Quỳnh trở nên nổi tiếng với nhiều bài thơ như Thuyền và biển, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh,… với một giọng thơ ấm áp, dịu dàng và tươi trẻ. Trong số đó tác phẩm Sóng cũng là một bài thơ xuất sắc viết về đề tài tình yêu với hình tượng sóng tượng trưng cho hình tượng người phụ nữ trẻ trong công cuộc tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm hạnh phúc đầy sôi nổi nhiệt huyết nhưng cũng không kém phần e ấp, tinh tế.
“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”
Sóng luôn ấp ủ trong mình hai cá tính đối lập, một bên là sự ồn ào, dữ dội đầy nhiệt huyết, sôi nổi, một bên lại mang những mặt êm đềm, lặng lẽ và dịu dàng, thế nhưng có một điều rằng sóng luôn ôm trong mình những khát khao được thấu hiểu, được sẻ. Sóng sẵn sàng từ bỏ một dòng sông quá đỗi yên bình, bó hẹp để vươn ra biển lớn, để tìm thấy những cảm xúc mới, để được thỏa sức vẫy vùng, tựa như những khát khao lớn trong tình yêu của người phụ nữ. Sóng là đại diện cho hình ảnh người con gái trẻ hiện đại khi đối mặt với tình yêu, vẫn giữ cho mình những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, bên cạnh đó Xuân Quỳnh cũng mạnh mẽ thể hiện cái tôi cá nhân, người phụ nữ trở nên mạnh mẽ và chủ động hơn trong tình yêu để tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Hơn thế nữa người ta còn nhận ra những con sóng sôi nổi chính là đại diện của một tình yêu mãnh liệt, nồng nàn, là tình yêu trong sáng của những con người son trẻ, khi bên nhau họ khát khao được bộc lộ bản thân một cách ồn ào và dữ dội, nhưng cũng có những phút giây họ lắng lại, để nghe tiếng trái tim hòa nhịp đập để thấu hiểu nhau hơn nữa.
“Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”
Bằng hình tượng sóng, những nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ được bộc lộ một cách tinh tế và hồn nhiên “Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế”, đó là sự thủy chung sắt son một lòng đối với tình nhân, tình yêu ngày nào đắm say, thì đến nay những khát vọng nồng nàn về tình yêu vẫn hằng thổn thức trong trái tim của người con gái chưa một lần thay đổi và chỉ có thêm đậm đà, sâu sắc. Không chỉ tượng trưng cho hình ảnh người con gái, sóng còn là dáng vẻ của tình yêu trong đôi mắt của Xuân Quỳnh, một tình yêu nồng nàn, sắt son và mãnh liệt, những khát vọng tình yêu ấy vốn đã là quy luật của tạo hóa, luôn làm trái tim con người ta phải bồi hồi thổn thức trong từng nhịp đập.
“Trước muôn trùng sóng bểEm nghĩ về anh, emEm nghĩ về biển lớnTừ nơi nào sóng lên?Sóng bắt đầu từ gióGió bắt đầu từ đâu?Em cũng không biết nữaKhi nào ta yêu nhau”
Từng ngọn sóng giữa biển cả mênh mông, cũng tựa như tình yêu của tác giả vậy, không thể lý giải được “Từ nơi nào sóng lên?”, từ gió, hay từ một nơi nào ấy chẳng thể nói thành lời. Tình yêu cũng vậy nào ai có thể lý giải nổi tình yêu, một khái niệm vốn phức tạp và nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến người ta hạnh phúc, nhưng cũng có lúc đầy tổn thương và đớn đau. Người con gái dường như bất lực trước nhận thức của lý trí về tình yêu, điều ấy đã thôi thúc con sóng, thôi thúc tác giả hòa mình vào biển lớn tình yêu, yêu bằng tất cả trái tim chân thành và tuyệt vời nhất, bởi tình yêu là cảm xúc của con tim, mọi sự lý giải đều trở nên vô nghĩa trước sức mạnh của nó.
“Con sóng dưới lòng sâuCon sóng trên mặt nướcÔi con sóng nhớ bờNgày đêm không ngủ đượcLòng em nhớ đến anhCả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắcDẫu ngược về phương namNơi nào em cũng nghĩHướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dươngTrăm nghìn con sóng đóCon nào chẳng tới bờDù muôn vời cách trở”
Ở những khổ thơ tiếp, một lần nữa đức tính chung thủy của người phụ nữ lại được thể hiện thông qua hình tượng sóng, đó là nỗi nhớ da diết của người con gái đối với người yêu, tình yêu sâu sắc ấy khiến tác giả trăn trở ngày nhớ đêm mong đến “Cả trong mơ còn thức”. Đó là sự thủy chung, sắt son một lòng mà dù có xuôi Bắc, ngược Nam thì tấm lòng của em vẫn chỉ “Hướng về anh một phương”, đầy trông mong và hy vọng. Ngoài ra hình tượng con sóng xa bờ còn gắn liền với những thử thách, những cách trở khó khăn trong tình yêu, là những nỗ lực, cố gắng một lòng vì tình yêu, vì một kết quả tốt đẹp, cũng như hình ảnh con sóng dù cách bờ bao xa vẫn tìm về vỗ vào bờ cát những tiếng vang dội, tựa như tiếng cười hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi.
“Cuộc đời tuy dài thếNăm tháng vẫn đi quaNhư biển kia dẫu rộngMây vẫn bay về xaLàm sao được tan raThành trăm con sóng nhỏGiữa biển lớn tình yêuĐể ngàn năm còn vỗ”
Nhưng dẫu sống lạc quan, đắm say và khao khát về tình yêu như thế thì Xuân Quỳnh vẫn có những ám ảnh nhất định về sự chảy trôi của thời gian, đó là nỗi sợ về tuổi xuân sớm đi qua, nỗi sợ thời gian thấm thoát thoi đưa nhưng tình mình vẫn không toại nguyện. Chính vì lẽ ấy, tác giả lại càng khao khát được sống hết mình, đắm chìm vào hạnh phúc của tình yêu, đó là ước muốn được tan ra, được đắm chìm vào một tình yêu trọn vẹn, sâu sắc và vĩnh cửu muôn đời. Đó là khát vọng muôn đời của người phụ nữ trong tình yêu, trong hạnh phúc lứa đôi, trong sáng, cao đẹp và mang đầy tính nhân văn sâu sắc.
Sóng và hình tượng sóng là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh trong sáng tác. Bằng hình tượng sóng bà đã thể hiện một cách xuất sắc những tâm tư đầy trong sáng và hồn nhiên của người phụ nữ khi yêu, có những cảm xúc mãnh liệt, nồng nàn nhưng cũng có lúc lặng lẽ và dịu dàng. Từ đó vẻ đẹp của người phụ nữ được bộc lộ một cách tinh tế, khao khát muốn yêu và được yêu vừa mạnh mẽ vừa, e ấp, đức tính thủy chung son sắt truyền thống và khát vọng lớn lao về một tình yêu vĩnh cửu, muôn đời.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-tuong-song-trong-bai-tho-cung-ten-cua-xuan-quynh-52150n.aspx Mượn hình ảnh của sóng ngoài đại dương, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khéo léo xây dựng những trạng thái đầy sống động của “em” trong tình yêu. Để tìm hiểu về ý nghĩa của cặp hình tượng sóng – em, bên cạnh bài Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh, các em có thể tham khảo thêm các bài văn hay lớp 12 chuyên về viết cảm nhận, phân tích Sóng như : Cảm nhận về khổ thơ thứ 5,6,7 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Bình giảng hai khổ thơ cuối trong bài Sóng của Xuân Quỳnh, Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài Sóng của Xuân Quỳnh, Phân tích bài thơ Sóng để chứng minh Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính…