Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

phan tich hinh anh nguoi lao dong trong 3 kho cuoi bai tho doan thuyen danh ca

Phân tích, Cảm nhận 3 khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay ngắn gọn

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá- Khái quát giá trị nội dung trong ba khổ thơ cuối của bài

2. Thân bài

a. Không khí lao động hài hòa, tươi vui với tiếng hát gọi cá đầy hứng khởi, say mê:– Tiếng hát gọi cá của những người ngư dân đã xua tan hết những mỏi mệt của công việc, gợi mở ra không khí say mê, lãng mạn trong chính công việc lao động.- Những người ngư dân tựa người nghệ sĩ trên biển cả: say mê, nhiệt huyết và tràn đầy sức sống.- Biển cả như lòng mẹ → Thể hiện sự biết ơn, trân trọng sâu sắc với sự hào phóng, rộng- Phép so sánh cùng sự liên tưởng độc đáo “Biển cả bao la như lòng mẹ” đã thể hiện được lòng biết ơn, sự trân trọng của những người ngư dân với tấm lòng rộng lượng, bao la của biển cả.

b. Công việc thu lưới được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng:– Kéo “xoăn tay” vừa gợi ra sự khỏe khoắn, mạnh mẽ của động tác kéo lưới vừa cho thấy thành quả đánh bắt đáng tự hào với “chùm cá nặng”.→ Cảnh thu lưới được nhìn dưới con mắt lãng mạn, bay bổng của thi sĩ nên những công việc lao động lam lũ, bình dị cũng trở nên đậm chất thơ.- Động từ “lóe” gợi ra vẻ đẹp đầy duyên dáng của những con cá “vảy bạc đuôi vàng” và mở ra không gian của một ngày mới, khi những ánh nắng đầu tiên bắt đầu xuất hiện.- Công việc hoàn thành, tấm lưới được xếp gọn, cánh buồm được căng mình đón gió để đưa đoàn thuyền trở về trong ánh “nắng hồng” ấm áp, rực rỡ.

c. Đoàn thuyền trở về trong khung cảnh huy hoàng, tráng lệ:– Tiếng hát như hòa trong tiếng gió để làm căng cánh buồm, đưa đoàn thuyền trở về.- Hình ảnh đoàn thuyền “chạy đua cùng mặt trời” gợi ra không khí khẩn trương, nhịp di chuyển nhanh, mạnh mẽ của đoàn thuyền trên không gian mênh mông, rộng lớn của biển cả.- Khi mặt trời vừa “đội biển nhô màu mới” thì cũng là khi đoàn thuyền vượt qua hành trình dài trên biển để trở về bến.- Hình ảnh con người tự tin, làm chủ cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn trong không gian bao la của thiên nhiên.- “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” thể hiện được niềm vui, sự tự hào của những người ngư dân sau một đêm lao động trên biển cả.

3. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của 3 khổ thơ.

II. Đoạn văn Phân tích hình ảnh con người thật đẹp trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá siêu hay:

Với tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, Huy Cận đã đem đến cho độc giả hình ảnh tuyệt đẹp của những con người lao động miền biển, đặc biệt là qua ba khổ thơ cuối. Họ xuất hiện với tiếng hát vui tươi, thể hiện sự nhiệt huyết, say mê và tràn đầy sức sống: “Ta hát bài ca gọi cá vào”. Thiên nhiên và con người khi ấy hòa cùng nhau, cùng cất lên bài ca để bày tỏ lòng biết ơn với biển cả. Biển khơi cho họ bao nguồn tài nguyên quý giá, nuôi lớn họ như một người mẹ hiền hậu. Những ngư dân khỏe khoắn sau cả một đêm lao động hăng say đã thu được thành quả xứng đáng: “chùm cá nặng”. Bằng con mắt lãng mạn, nhà thơ đã miêu tả những con cá với “vảy bạc đuôi vàng” lấp lánh, mở ra không gian của một ngày mới tươi sáng. Đó cũng là lúc đoàn thuyền trở về trong ánh nắng hồng rực rỡ. Và một lần nữa, tiếng hát được vang lên. Ở khổ thơ cuối, tiếng hát ấy như một khúc “khải hoàn ca”, đón mừng đoàn thuyền trở về trong chiến thắng, vinh quang. Khi này, những ngư dân xuất hiện với tầm vóc lớn lao, sánh ngang được với thiên nhiên hùng vĩ: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Tất cả đã tạo nên một bức chân dung khỏe khoắn, tự tin, tràn đầy hứng khởi của những con người lao động. Họ chính là một phần không thể thiếu trong công cuộc đổi mới đất nước.

III. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá hay nhất (Chuẩn)

1. Bài văn mẫu Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá để thấy được hình ảnh người lao động hay – Mẫu số 1

Huy Cận là một trong những cây bút có sức sáng tạo dồi dào trong phong trào Thơ mới ở Việt Nam. Thơ ông có sự vận động, thay đổi qua từng chặng đường, nếu trước cách mạng tháng Tám thơ Huy Cận chất chứa một nỗi sầu bi khôn xiết mà theo nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh thì đó là “một mạch sầu ngàn năm ngấm ngầm trong cõi đất này”. Sau Cách mạng, thơ Huy Cận có sự thay đổi lớn cả về tư tưởng và tình cảm, ông hướng ngòi bút khám phá cuộc sống lao động mới qua những vần thơ tươi vui, chứa đựng những niềm tin mãnh liệt về tương lai tươi sáng. Tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của Huy Cận sau cách mạng là bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Viết về cuộc sống lao động trên biển của những người ngư dân, đặc biệt trong ba khổ thơ cuối của bài, nhà thơ đã tập trung khắc họa cảnh đánh bắt cá trên biển và vẻ đẹp hài hòa của con người lao động trong không gian hùng vĩ, mênh mông của biển cả.

Đọc thêm:
Bài văn tả cây cối lớp 5 hay, ngắn gọn

Nếu trong những khổ thơ đầu, nhà thơ Huy Cận đã mở ra trước mắt người đọc khung cảnh ra khơi đầy hứng khởi, tươi vui khi hoàng hôn buông xuống thì ba khổ thơ cuối lại là khúc hát gọi cá đầy mê say của người dân chài lưới khi thu hoạch cá và khung cảnh huy hoàng, tráng lệ của đoàn thuyền khi trở về đất liền.

Công việc lao động trên biển vốn mệt nhọc lại tiềm ẩn những hiểm nguy thế nhưng đọc những câu thơ của Huy Cận, ấn tượng đọng lại trong tâm trí người đọc không phải những căng thẳng, mệt nhọc mà lại là khung cảnh lao động hài hòa, tươi vui:

“Ta hát bài ca gọi cá vàoGõ thuyền đã có nhịp trăng caoBiển cho ta cá như lòng mẹNuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Trong đêm tối, tiếng hát gọi cá của những người ngư dân đã xua tan hết những mỏi mệt của công việc, gợi mở ra không khí say mê, lãng mạn trong chính công việc lao động. Tiếng hát ngân vang cùng tiếng gõ thuyền cùng hòa âm để tạo nên một bản nhạc du dương đầy sức cuốn hút, gọi mời. Những người ngư dân tựa người nghệ sĩ trên biển cả: say mê, nhiệt huyết và tràn đầy sức sống. Công việc đánh bắt vất vả dưới ngòi bút tài hoa và cảm hứng lãng mạn của Huy Cận trở nên thơ mộng, đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Trong nhận thức và thế giới tình cảm của những người ngư dân, biển cả không chỉ là đối tượng chinh phục mà vĩ đại tựa lòng mẹ khi mang đến nguồn sống cho con người:

“Biển cho ta cá như lòng mẹNuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Biển cả rộng lớn, mênh mông nhưng chan chứa nghĩa tình, biển mang đến cá tôm, ban tặng những mẻ cá bội thu, nuôi sống con người bao thế hệ “Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Phép so sánh cùng sự liên tưởng độc đáo đã thể hiện được lòng biết ơn, sự trân trọng của những người ngư dân với tấm lòng rộng lượng, bao la của biển cả. Bằng giọng điệu thiết tha, chân thành kết hợp với ngôn ngữ bình dị nhưng giàu cảm xúc, nhà thơ Huy Cận đã gợi ra mối quan hệ gắn bó, hòa hợp, tôn trọng của con người và thiên nhiên.

Sau một đêm đánh bắt trên biển, những người ngư dân hồ hởi thu hoạch những mẻ cá đầy, không khí khẩn trương, rộn rã:

“Kéo lưới kịp trời sángTa kéo xoăn tay chùm cá nặngVảy bạc đuôi vàng lóe rạng đôngLưới xếp buồm lên đón nắng hồng”

Khi đêm sắp tàn, ngày mới chuẩn bị đến là khi người ngư dân thu hoạch thành quả suốt một đêm lao động mệt nhọc để trở về đất liền. Mọi hành động đều được thực hiện thành thục, khẩn trương “Kéo lưới kịp trời sáng”. Kéo “xoăn tay” vừa gợi ra sự khỏe khoắn, mạnh mẽ của động tác kéo lưới vừa cho thấy thành quả đánh bắt đáng tự hào với “chùm cá nặng”. Cảnh thu lưới được nhìn dưới con mắt lãng mạn, bay bổng của thi sĩ nên những công việc lao động lam lũ, bình dị cũng trở nên đậm chất thơ. Động từ “lóe” gợi nhiều liên tưởng thú vị, nó không chỉ gợi ra vẻ đẹp đầy duyên dáng của những con cá “vảy bạc đuôi vàng” mà còn mở ra không gian của một ngày mới, khi những ánh nắng đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Công việc hoàn thành, tấm lưới được xếp gọn, cánh buồm được căng mình đón gió để đưa đoàn thuyền trở về trong ánh “nắng hồng” ấm áp, rực rỡ “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”. Khung cảnh thật huy hoàng, tráng lệ làm sao!

Đọc thêm:
Ý kiến về suy nghĩ việc nuôi chó, mèo trong nhà không những không có tác dụng gì

Trong bài thơ có 3 lần tiếng hát được cất lên, đó là tiếng hát ca ngợi sự giàu có của biển khi đoàn thuyền ra khơi (khổ 2), tiếng hát gọi cá trong đêm tối (khổ 5) và tiếng hát lại một lần nữa vang lên khi đoàn thuyền trở về:

Câu hát căng buồm với gió khơiĐoàn thuyền chạy đua cùng mặt trờiMặt trời đội biển nhô màu mớiMắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

Tiếng hát như hòa trong tiếng gió để làm căng cánh buồm, đưa đoàn thuyền trở về. Hình ảnh đoàn thuyền “chạy đua cùng mặt trời” quá đỗi thi vị, lãng mạn. Cách liên tưởng độc đáo đã gợi ra không khí khẩn trương, nhịp di chuyển nhanh, mạnh mẽ của đoàn thuyền trên không gian mênh mông, rộng lớn của biển cả. Khi mặt trời vừa “đội biển nhô màu mới” thì cũng là khi đoàn thuyền vượt qua hành trình dài trên biển để trở về bến. Bức tranh lao động mang cảm quan vũ trụ khi có sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Hình ảnh con người tự tin, làm chủ cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn trong không gian bao la của thiên nhiên. “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” thể hiện được niềm vui, sự tự hào của những người ngư dân sau một đêm lao động trên biển cả, đó là cảnh tượng huy hoàng , tráng lệ khép lại bức tranh thơ.

Qua việc sử dụng những từ ngữ giàu sức gợi kết hợp với những thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa và cảm quan lãng mạn, nhà thơ Huy Cận đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực về khung cảnh lao động trên biển, về vẻ đẹp của con người lao động trong công việc bình dị nhưng đầy ý nghĩa.

2. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá siêu hay – Mẫu 2

2.1. Dàn ý Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận:2.1.1. Mở bài: – Giới thiệu bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.- Khái quát về hình ảnh người lao động trong 3 khổ thơ cuối bài.2.1.2. Thân bài: a, Không khí lao động vui tươi, hứng khởi, say mê: – Tiếng hát gọi cá của người ngư dân: + Người ngư dân như người nghệ sĩ trên biển: nhiệt huyết, say mê, tràn đầy sức sống.+ Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người: “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”.- Sự biết ơn đối với biển cả:+ “Biển cho ta cá như lòng mẹ”: phép so sánh độc đáo -> Thể hiện sự hào phóng, rộng lượng của biển khơi.+ “Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”: lòng biết ơn.b, Công việc thu lưới được thực hiện khẩn trương, dứt khoát: – Những chi tiết chỉ thời gian gấp rút: “sao mờ”, “kịp trời sáng”.- Hành động: “kéo xoăn tay”:+ Hình ảnh độc đáo, khiến việc kéo lưới bình dị trở nên đậm chất thơ..+ Gợi sự khỏe khoắn của người ngư dân.- Thành quả của chuyến đi: “chùm cá nặng”:+ “Lóe”: vẻ đẹp lung linh của những con cá “vảy bạc đuôi vàng”.+ Mở ra không gian “rạng đông” của ngày mới. – Công việc hoàn thành:+ Người ngư dân xếp gọn buồm.+ Trở về trong “nắng hồng”.c, Sự trở lại của đoàn thuyền trong khung cảnh huy hoàng, tráng lệ:– Tiếng hát xuất hiện lần thứ ba: + Hân hoan, rộn rã đón mừng đoàn thuyền trở về.+ Tạo sức mạnh cùng làn gió để căng cánh buồm.- “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”: + Sức mạnh của con người sánh ngang được với thiên nhiên hùng vĩ.+ Con người tự tin làm chủ.- “Mặt trời…/…dặm phơi”: Sự vui tươi, niềm tự hào của con người sau một đêm lao động hiệu quả. 2.1.3. Kết bài:– Khẳng định lại vẻ đẹp của con người lao động trong 3 khổ thơ cuối tác phẩm.- Liên hệ mở rộng.

2.2. Bài văn Phân tích vẻ đẹp người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận:

“Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về đề tài con người lao động thời kì đổi mới. Đặc biệt, với ba khổ thơ cuối bài, tác giả đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh đánh bắt cá trên biển cũng như sự hài hòa, thống nhất giữa thiên nhiên và con người vùng biển.

Nếu như ở những khổ trước, nhà thơ Huy Cận đã tái hiện lại cảnh ra khơi đầy hào hứng, vui tươi của đoàn thuyền thì đến ba khổ cuối, đó lại là khung cảnh hùng tráng lúc trở về. Tiếng hát một lần nữa được cất lên trong lúc kéo lưới, xua tan đi bao mệt mỏi, căng thẳng:

Đọc thêm:
Viết thư thăm hỏi và chúc Tết cô giáo cũ

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”

Bài ca vang trong màn đêm, gợi ra không khí lao động say mê, hứng khởi. Ánh trăng sáng rọi xuống mặt biển, theo từng con sóng va vào mạn thuyền như đang “gõ nhịp”, hòa nhịp cùng tiếng hát của người ngư dân. Bản nhạc ấy được cả thiên nhiên và con người “trình diễn”, tạo nên sức hấp dẫn, gọi mời đàn cá dưới biển sâu. Công việc kéo lưới cứ vậy mà được lãng mạn hóa dưới con mắt của người nghệ sĩ. Và cũng trong niềm say mê, hứng khởi khi lao động, con người đã bày tỏ lòng biết ơn với biển khơi bao la:

“Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”

Bằng phép so sánh độc đáo, tâm hồn tinh tế của con người đã được tác giả khắc họa vô cùng thành công. Biển cả bao la, rộng lớn với bao cá tôm chính là “người mẹ hiền”, “nuôi lớn” bao thế hệ suốt những năm tháng qua. Điều này cũng thể hiện sự hòa hợp, gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên.

Sau một đêm lao động hăng say, đoàn thuyền lúc này đã đến lúc thu hoạch thành quả:

“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”

Chi tiết “sao mờ” cho người đọc thấy được thời gian vẫn còn rất sớm. Ấy vậy mà những ngư dân vẫn lao động rất miệt mài, hăng say “kéo lưới cho kịp trời sáng”. Cụm từ “kéo xoăn tay” không chỉ được dùng để diễn tả hành động của họ mà còn thể hiện sự khỏe khoắn cùng tinh thần vui tươi, nhiệt tình trước thành quả đạt được. Hình ảnh “chùm cá nặng” chính là chiến lợi phẩm người ngư dân thu được trong chuyến đánh bắt lần này. Bằng con mắt lãng mạn, những con cá được hiện lên với “vảy bạc đuôi vàng” lấp lánh, tựa như rạng đông phía chân trời. Và đó cũng là báo hiệu cho sự kết thúc của chuyến ra khơi. Khi ấy, con người lại xếp lưới và trở về trong ánh “nắng hồng” – một chi tiết vô cùng lãng mạn. Đó chính là bức tranh tổng hòa giữa vẻ đẹp của con người và thiên nhiên.

Đến khổ thơ cuối cùng, hình ảnh con người hiện lên với tầm vóc sánh ngang thiên nhiên hùng vĩ:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”

Một lần nữa, câu hát của những người ngư dân lại vang lên. Khác với sự hứng khởi, say mê ban đầu, tiếng hát bây giờ như một khúc “khải hoàn ca” đón mừng đoàn thuyền trở về. Nó như tiếp thêm sức mạnh, cùng gió khơi thổi căng cánh buồm, đưa con thuyền lướt đi trên mặt biển. Động từ “chạy đua” đã diễn tả thành công không khí khẩn trương, vội vã cùng nhịp di chuyển mạnh mẽ của đoàn thuyền. Hai câu thơ cuối chính là niềm vui cùng sự tự hào trong lòng người ngư dân sau một chuyến ra khơi “bội thu”.

Bằng lời thơ giản dị cùng những hình ảnh đầy sức gợi, Huy Cận đã đem đến cho độc giả một bức tranh sống động, tràn đầy màu sắc về con người lao động miền biển. Họ hiện lên với vẻ đẹp chân thực, khỏe khoắn, làm những công việc bình dị mà giàu ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-anh-nguoi-lao-dong-trong-3-kho-cuoi-bai-tho-doan-thuyen-danh-ca-66111n.aspx Với “Đoàn thuyền đánh cá”, Huy Cận đã góp phần nâng tầm vẻ đẹp của con người lao động trong thời kì đất nước đang đổi mới. Khám phá bức tranh lao động đẹp đẽ cùng cảm hứng lãng mạn đậm nét được thể hiện trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, bên cạnh bài Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ đoàn thuyền đánh cá trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích cảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá, Hình ảnh những con người lao động mới trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Suy nghĩ của em về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá.

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button