Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
Đề bài: Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích nhân vật Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
I. Dàn ý Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, đoạn trích.
2. Thân bài:2.1. Tóm tắt nội dung chính của đoạn trích: kể về sự kiện chủ soái quân đội thành Tơ-roa – Héc-to về thăm nhà và chia tay vợ con trước khi ra trận. Giây phút gặp nhau tại cổng Xkê, hai vợ chồng đã bày tỏ nỗi niềm cùng những suy nghĩ của mình về mọi chuyện sắp tới.2.2. Chủ đề của đoạn trích: ca ngợi vẻ đẹp lí tưởng của con người trong chiến tranh.2.3. Phân tích đánh giá chủ đề của đoạn trích:* Vẻ đẹp lí tưởng của con người trong chiến tranh được thể hiện qua:- Héc to và Ăng-đrô-mác luôn có ý thức sâu sắc về bổn phận và trách nhiệm đối với cộng đồng.- Dù biết khó khăn, nguy hiểm luôn cận kề, Héc-to vẫn can đảm đối diện.+ Héc-to mang trong mình lòng nhiệt huyết.+ Héc-to luôn muốn bảo vệ những người thân yêu.+ Héc-to biết đặt danh dự, lợi ích tập thể lên trên tình cảm cá nhân riêng tư.2.4. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:– Nghệ thuật khắc họa nhân vật thông qua hành động, lời nói.- Nhịp điệu chậm rãi, lời kể tỉ mỉ, lặp đi, lặp lại các cụm từ miêu tả đặc điểm cố định của nhân vật.- Cốt truyện hấp dẫn.
3. Kết bài: Khẳng định lại giá trị của đoạn trích.
Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác ngắn gọn
II. Bài văn mẫu Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
1. Bài văn mẫu Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác ngắn nhất
Sử thi “I-li-át” là một sáng tác tiêu biểu của nhà thơ người Hy Lạp cổ đại – Hô-me-rơ. Trong đó, đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” được trích từ khúc ca VI đã khắc họa chân thực vẻ đẹp lí tưởng của con người trong hoàn cảnh chiến tranh thông qua hai nhân vật Héc-to và Ăng-đrô-mác.
Sau khi quân A-kê-en nhất thời giành khí thể áp đảo, Héc-to vội vàng quay trở về nhà để nói lời chia tay vợ con. Tuy nhiên, lúc về tới nhà, nàng Ăng-đrô-mác đã mang theo con thơ tới tòa tháp lớn trong thành. Biết được chuyện này, Héc-to nhanh chóng ngược xuôi kiếm tìm. Cuối cùng, chàng gặp vợ tại cổng Xkê – bước qua đó là bình nguyên ngoài lũy thành. Trong giây phút gặp gỡ ngắn ngủi, hai vợ chồng đã bày tỏ nỗi lo lắng cùng suy nghĩ của bản thân. Nhờ cuộc đối thoại này, phẩm chất, tính cách ở hai nhân vật được bộc lộ một cách chân thực. Qua đó, tác giả Hô-me-rơ gửi gắm lời ngợi ca vẻ đẹp lí tưởng của con người trong hoàn cảnh chiến tranh. Và đây cũng là chủ đề bao trùm toàn bộ đoạn trích.
Trước hết, Hô-me-rơ tập trung miêu tả vẻ đẹp lí tưởng ấy thông qua người anh hùng Héc-to. Là vị hoàng tử một đất nước, là chủ soái quân đội, Héc-to luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm và bổn phận bảo vệ thần dân, quốc gia. Mặc dù biết chắc con đường phía trước sẽ có chông gai, nguy hiểm “Phu nhân ơi, cả ta cũng lo lắng khôn nguôi về mọi điều nàng nói” nhưng chàng không lựa chọn khuất phục. Lòng nhiệt huyết chiến đấu không cho phép chàng làm như vậy. Bản lĩnh can trường của vị anh hùng đã thôi thúc Héc-to chiến đấu. Đó là chiến đấu vì thần dân thành Tơ-roa. Đó còn là chiến đấu vì gia đình thân yêu, vì vinh quang của đức vua cha và chính bản thân. Như vậy, vẻ đẹp lí tưởng ở người anh hùng cộng đồng càng thêm sáng ngời. Héc-to đã vô cùng sáng suốt khi đưa ra lựa chọn đặt lợi ích tập thể lên trên tình cảm cá nhân. Mặc dù rất yêu vợ con, gia đình nhưng chàng không vì thế mà mù quáng. Héc-to học được cách cân bằng các mối quan hệ, biết phân chia rạch ròi việc riêng và việc chung. Từ đây, suy nghĩ, hành động thấu đáo, lòng can đảm đã khắc họa thành công vẻ đẹp lí tưởng của vị hoàng tử Héc-to khi đứng trước tình cảnh chiến trận.
Ngoài nhân vật Héc-to, tác giả Hô-me-rơ còn gợi lên vẻ đẹp lí tưởng qua nhân vật nàng Ăng-đrô-mác. Nàng không chỉ là người phụ nữ yêu chồng con, gia đình thắm thiết mà còn là người có ý thức sâu sắc về trách nhiệm. Với thân phận cao quý – vợ của hoàng tử Héc-to, nàng luôn nhận thức được bổn phận ở bản thân. Chính vì thế, nàng thường cùng các phu nhân thành Tơ-roa đi đến đền thờ A-tê-na dâng lễ cầu xin nữ thần nguôi giận mà rủ lòng thương. Khi đứng trước lựa chọn hạnh phúc gia đình và vận mệnh dân tộc, nàng cũng có sự lựa chọn đúng đắn. Nàng đã tiễn biệt phu quân yêu dấu ra chiến trận dù trong lòng vẫn còn lưu luyến, ngổn ngang.
Với cốt truyện hấp dẫn, thú vị, Hô-me-rơ đã mang đến một câu chuyện ý nghĩa về tình cảm gia đình và đất nước. Ông còn rất thành công trong việc xây dựng nhân vật thông qua hành động, lời nói. Điều này giúp các nhân vật dễ dàng bộc lộ suy nghĩ, tình cảm và phẩm chất của bản thân. Ngoài ra, nhịp điệu chậm rãi, lời kể tỉ mỉ, thường xuyên lặp lại các từ ngữ miêu tả đặc điểm cố định của nhân vật như “Héc-to sáng loáng khiên đồng”, “trang phục diễm lệ”,… cũng là yếu tố góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
Đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” sẽ mãi in sâu trong lòng bạn đọc bởi những vẻ đẹp lí tưởng tốt đẹp của con người. Thông qua đây, người đọc có thể hình dung được về thời đại đã qua một cách chân thực, sống động.
2. Bài văn mẫu Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác chi tiết
Sử thi là một thể loại văn học được rất nhiều độc giả yêu thích. Nhắc đến sử thi, chúng ta không thể bỏ qua tác phẩm đồ sộ “I-li-át” của nhà thơ người Hy Lạp cổ đại – Hô-me-rơ. Trong đó, đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” là một trích đoạn đặc sắc. Văn bản không chỉ khắc họa thành công hình tượng người anh hùng Héc-to mà còn dành lời ca ngợi lí tưởng cao đẹp của con người trong chiến tranh.
“Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” được trích từ khúc ca VI của thiên sử thi, kể về sự kiện chủ soái quân đội thành Tơ-roa – Héc-to về thăm nhà và chia tay vợ con trước khi ra trận. Tuy nhiên, sau khi biết tin những chiến binh trong thành phải thoái lui vì khí thế quân A-kê-en quá áp đảo, vợ chàng – nàng Ăng-đrô-mác đã vội vã mang theo con nhỏ tới tòa tháp lớn. Héc-to biết tin liền nhanh chóng chạy khắp nơi tìm kiếm. Sau cùng, hai vợ chồng gặp nhau ở cổng Xkê. Tại đây, hai người đã bày tỏ nỗi niềm cùng những suy nghĩ của bản thân về mọi chuyện sắp tới. Thông qua đó, Héc-to trực tiếp bộc lộ lí tưởng lớn lao ở bản thân. Đây cũng chính là chủ đề mà tác giả muốn hướng tới: ca ngợi vẻ đẹp lí tưởng của con người trong chiến tranh.
Đầu tiên, vẻ đẹp lí tưởng ấy được thể hiện chân thực qua nhân vật Héc-to. Chàng – vị hoàng tử thành Tơ-roa luôn ý thức sâu sắc về bổn phận và trách nhiệm đối với cộng đồng. Đứng trước khí thế áp đảo của quân A-kê-en, chàng chưa từng nghĩ tới việc từ bỏ hay khuất phục. Sau khi nghe lời giãi bày từ vợ mình, lòng quyết tâm ở chàng cũng không hề lung lay. Ngược lại, chàng đã dùng lí lẽ để thuyết phục nàng Ăng-đrô-mác “Nhưng sẽ hổ thẹn xiết bao với những chiến binh và những người phụ nữ thành Tơ-roa xống áo thướt tha, nếu ta ở lại đây, như kẻ hèn nhát, đứng nhìn từ xa, tránh không xung trận”. Có thể thấy, chàng luôn mang trong mình ý thức cao cả khi đối mặt với vấn đề quan trọng của tập thể. Dù biết khó khăn, nguy hiểm luôn cận kề, Héc-to vẫn can đảm đối diện. Ý chí quyết tâm, sục sôi chiến đấu luôn rực cháy trong chàng. Bên cạnh đó, vẻ đẹp lí tưởng còn được khắc họa qua tấm lòng nhiệt huyết ở Héc-to “bầu nhiệt huyết trong ta không cho phép ta làm như vậy: từ lâu ta đã học cách luôn ở tuyến đầu, can trường chiến đấu”. Ngọn lửa nhiệt huyết như thôi thúc Héc-to hãy chiến đấu hết mình vì gia đình thân yêu và nhân dân thành Tơ-roa. Chàng hi vọng bản thân chiến đấu, giành vinh quang cho vua cha Pri-am và chính mình. Từ đây, vẻ đẹp lí tưởng của con người đã được nâng tầm cao hơn. Người anh hùng cộng đồng đã biết đặt danh dự, lợi ích tập thể lên trên tình cảm cá nhân riêng tư. Là một chủ soái quân đội, Héc-to luôn có ý thức trong việc bảo vệ nhân dân, đất nước. Bởi vậy, chàng vô cùng sáng suốt và tỉnh táo khi đứng trước lựa chọn gia đình êm ấm và vận mệnh cộng đồng. Chàng không để ham muốn hạnh phúc, ích kỉ cá nhân vượt lên lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Có thể nói, nhận thức đúng đắn, hành động dứt khoát cùng ý chí quyết tâm, lòng can trường đã tô đậm vẻ đẹp lí tưởng ở người anh hùng trong hoàn cảnh chiến tranh.
Bên cạnh đó, thông qua nhân vật Ăng-đrô-mác, tác giả Hô-me-rơ cũng phác họa một vài nét về vẻ đẹp lí tưởng ở con người. Là vợ của hoàng tử Héc-to, nàng luôn có ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận với thành Tơ-roa. Mong muốn cuộc sống cộng đồng sớm trở lại bình thường, nàng thường cùng các vị phu nhân đi dâng lễ, cầu xin nữ thần rủ lòng thương xót mà nguôi cơn giận. Sau khi nghe chồng mình khuyên nhủ, nàng đã mạnh mẽ buông tay, tiễn chồng ra chiến trận dù tận sâu nỗi lòng còn ngổn ngang lo sợ “Ăng-đrô-mác bước về nhà, hàng lệ tuôn rơi, chốc chốc lại ngoái nhìn theo hình bóng phu quân yêu quý”.
Như vậy, cả hai nhân vật Héc-to và Ăng-đrô-mác đều sáng ngời vẻ đẹp lí tưởng cao cả. Một người mang trong mình lòng dũng cảm cùng khát vọng lớn lao, xứng đáng với vị trí thủ lĩnh quân đội. Một người là hậu phương vững chắc, là điểm tựa để người chồng an tâm chiến đấu nơi chiến trận. Cả hai đã biết hi sinh hạnh phúc cá nhân, gia đình nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng động.
Để làm nổi bật chủ đề đoạn trích, Hô-me-rơ đã sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật độc đáo. Ông đã khắc họa thành công nhân vật thông qua những chi tiết về hành động, lời nói. Từ đây, mỗi nhân vật hiện lên thật rõ nét với các phẩm chất, tính cách tốt đẹp. Đồng thời, cốt truyện hấp dẫn cũng góp phần rất lớn trong việc bộc lộ tâm tư, tình cảm ở nhân vật. Bên cạnh đó, nhịp điệu chậm rãi, lời kể tỉ mỉ, lặp đi lặp lại các cụm từ miêu tả đặc điểm cố định của nhân vật như “Héc-to sáng loáng khiên đồng”, “mũ trụ sáng lóa”,… cũng giúp người đọc dễ dàng theo dõi toàn bộ nội dung câu chuyện.
Qua đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác”, Hô-me-rơ đã khéo léo đặt ra những vấn đề nhân sinh ý nghĩa. Cảm ơn tác giả đã mang đến một tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị như vậy. Mong rằng, mỗi người chúng ta sẽ biết tiếp thu, lưu giữ những thông điệp tốt đẹp được gửi gắm trong tác phẩm.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hec-to-tu-biet-ang-dro-mac-72380n.aspx Để có những chuẩn bị tốt nhất cho bài học sắp tới, mời em ghé thăm Taimienphi.vn và tham khảo các bài văn mẫu lớp 10 sau:- Soạn bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác– Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời– Phân tích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời