Những lưu ý khi làm bài thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp diễn ra, chắc hẳn các em học sinh đang cố gắng tối đa để đạt được kết quả tốt nhất. Để có thể hoàn thành tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, các em hãy lưu ý những vấn đề dưới đây.
Kinh nghiệm thi văn THPT Quốc gia
1. Phân bổ thời gian hợp lý
Bài thi môn Ngữ văn sẽ diễn ra trong vòng 120 phút với hai phần: I. Đọc hiểu và II. Làm văn. Để đảm bảo hoàn thành trọn vẹn bài thi, các em cần phân bổ thời gian hợp lý. Cụ thể:- Phần Đọc hiểu: 20 phút- Đoạn văn nghị luận xã hội: 20 phút- Bài nghị luận văn học: 75 phút- Rà soát, kiểm tra bài làm: 5 phút
Trong quá trình làm bài, các em cũng cần có sự điều chỉnh linh hoạt về lượng thời gian giữa các phần căn cứ vào độ khó của yêu cầu đề. Tránh làm vội dẫn đến sơ sài, trả lời thiếu hay tập trung quá lâu vào một câu hỏi, dẫn đến không hoàn thành hết các yêu cầu.
2. Đọc kĩ đề bài
Đọc kĩ đề bài là bước quan trọng giúp xác định đúng yêu cầu, tránh tình trạng viết lạc đề, xa đề, gây mất điểm trong bài thi. Các em nên dành thời gian tập trung đọc đề bài, dùng bút gạch chân dưới các từ khóa trong câu hỏi để nắm rõ yêu cầu.
3. Trả lời đúng trọng tâm yêu cầu phần Đọc hiểu
Phần Đọc hiểu chiếm 3,0 điểm với 4 câu hỏi theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể:
– Câu hỏi nhận biết: Để xác định phong cách ngôn ngữ, thể thơ, phương thức biểu đạt,… các em cần đọc kĩ ngữ liệu đã cho, đối chiếu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ, thể thơ, phương thức biểu đạt,… với đặc điểm của văn bản đó. Các em lưu ý chỉ nhận biết và đưa ra câu trả lời, không cần phân tích, diễn giải.
– Câu hỏi thông hiểu: Thường đưa ra yêu cầu trình bày, giải thích, đưa ra cách hiểu về một nhận định, khái niệm, câu thơ, câu văn, hình ảnh,… có trong ngữ liệu đã cho. Để trả lời, hãy đặt đối tượng vào trong hệ thống ngữ liệu để lý giải, tránh tình trạng tách rời khỏi ngữ cảnh, dẫn đến hiểu sai.
– Câu hỏi vận dụng: Với dạng câu hỏi này, các em cần vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để phân tích giá trị gợi hình, gợi cảm của các biện pháp, hình ảnh, chi tiết đó.
– Câu hỏi vận dụng cao: Câu hỏi cuối trong phần Đọc hiểu thường yêu cầu thí sinh thể hiện những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về một thông điệp, nhận định một vấn đề được rút ra từ văn bản đọc hiểu. Điều quan trọng là các em đưa ra được lý giải thuyết phục cho ý kiến, quan điểm của bản thân, nên tránh lối viết hô hào, khẩu hiệu, sáo rỗng.
Một trong những lỗi thường gặp trong phần Đọc hiểu là thí sinh nhầm lẫn giữa câu hỏi “… theo tác giả/theo văn bản” và câu hỏi “Theo anh/chị…” dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm. Khi cần lý giải dựa vào văn bản thì lại trả lời theo ý kiến bản thân và ngược lại. Các em cần lưu ý trả lời đúng trọng tâm, tránh viết quá sơ sài hay viết dài dòng, lan man.
Những lưu ý khi đi thi văn, cách làm đạt điểm cao
4. Đảm bảo hình thức, cấu trúc đoạn văn nghị luận xã hội
Để làm tốt đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần xác định đúng vấn đề nghị luận thông qua các từ khóa ở đề bài, triển khai một hệ thống lập luận làm sáng tỏ vấn đề và đặc biệt là sử dụng dẫn chứng để bài làm thuyết phục hơn.
Đề bài yêu cầu “khoảng 200 chữ” vì vậy cần viết hàm súc, tập trung vào vấn đề nghị luận, không diễn giải dài dòng, dẫn đến tình trạng không đảm bảo hình thức, cấu trúc theo yêu cầu.
5. Xây dựng hệ thống ý cho bài nghị luận văn học
Bài nghị luận văn học chiếm một nửa số điểm của bài thi, vậy nên các em cần tập trung nhiều thời gian nhất cho phần này. Một bài nghị luận văn học được đánh giá là tốt khi xây dựng được một hệ thống ý làm rõ đối tượng cần phân tích, đánh giá, bình luận, không sa vào diễn xuôi văn bản.
Sau khi đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu, thí sinh nên dành 5 phút vạch ra một hệ thống luận điểm sẽ triển khai trong bài. Mỗi ý làm rõ bằng một đoạn văn để người chấm thấy được mạch phân tích, tư duy của người viết.
6. Chú ý chính tả và diễn đạt
Để có một bài làm hoàn thiện, các em cần chú ý chính tả và diễn đạt. Diễn đạt trong bài cần mạch lạc, rõ ý, tránh mơ hồ, tối nghĩa. Sau khi hoàn thành bài thi, em dành 5 phút rà soát lại lỗi chính tả, diễn đạt để chỉnh sửa và hoàn thiện.
7. Trình bày bài làm sạch, đẹp
Một bài làm sạch, đẹp sẽ gây được thiện cảm cho người chấm. Khi làm bài thi, tránh gạch xóa nhiều, đặc biệt không sử dụng bút xóa, nhiều màu mực khác nhau hay đánh dấu, viết kí hiệu riêng dẫn đến vi phạm quy chế thi.
https://thuthuat.taimienphi.vn/nhung-luu-y-khi-lam-bai-thi-mon-ngu-van-tot-nghiep-thpt-70341n.aspx Trên đây là một số lưu ý khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Taimienphi.vn xin chúc cho các em có một kỳ thi thành công như mong đợi!