Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Từ những hiểu biết về nhân vật Từ Hải, anh/chị hãy viết bài Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

nghi luan ve nhan vat tu hai trong doan trich chi khi anh hung

Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

I. Dàn ý Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

2. Thân bài

– Từ Hải- Người anh hùng có lý tưởng và khát vọng cao đẹp:+ Hoàn cảnh ra đi: “hương lửa đương nồng”: tình cảm vợ chồng hạnh phúc, song vẫn nuôi chí lập nghiệp lớn.+ Hành động, ý nghĩ: “thoắt” , “động lòng bốn phương” “trông vời” : dứt khoát, nhanh lẹ, quyết tâm lập công danh lừng lẫy…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng tại đây.

II. Bài văn mẫu Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

1. Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, mẫu 1 (Chuẩn)

Nguyễn Du là tác gia tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm vô cùng lớn cả văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều nói chung và trích đoạn Chí khí anh hùng nói riêng, người đọc hẳn sẽ không thể nào quên được chàng trai “đầu đội trời, chân đạp đất” Từ Hải- người anh hùng với chí khí bốn phương và khát khao lập nên nghiệp lớn. Có thể nói, Từ Hải đã trở thành một nhân vật mà ở đó tác giả gửi gắm ước mơ về công lý, công bằng trong xã hội lúc bấy giờ.

” Nửa năm hương lửa động lòngTrượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Sau nửa năm kể từ ngày cứu Thúy Kiều ra khỏi chốn lầu xanh, Kiều và Từ Hải chung sống với nhau, tình cảm rất mực gắn bó thắm thiết “hương lửa đương nồng”. Những tưởng hạnh phúc gia đình ấm êm có thể níu giữ đôi chân Từ Hải. Nhưng không, trái tim và chí hướng của người anh hùng đã “động lòng bốn phương”, Từ Hải ước mơ lập nên nghiệp lớn, nuôi chí vùng vẫy bốn phương. Tính từ “thoắt” kết hợp với cụm động từ “động lòng bốn phương” cho thấy sự mau lẹ, dứt khoát trong hành động và ý nghĩ của nhân vật. Chí anh hùng đã thôi thúc Từ Hải ra đi:

“Trông vời trời bể mênh mangThanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng rong”

nghi luan ve nhan vat tu hai trong chi khi anh hung

Những bài Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng hay nhất

Không gian rộng lớn “trời bể mênh mang” của vũ trụ càng làm nổi bật khát vọng, ý chí lên đường lập công danh của bậc “trượng phu”. Hình ảnh người anh hùng cùng ngựa và gươm lên đường thật đẹp, đó là những bước đi trong một tâm thế đấy quyết tâm, trong một tư thế đầy ngạo nghễ, thong dong, không chút vướng bận, do dự.

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Thấu hiểu hoài bão cũng như khát vọng lên đường của Từ Hải nên Thúy Kiều không chỉ ủng hộ quyết định của chàng mà còn bày tỏ mong muốn được đi theo để được đỡ đần, san sẻ những khó khăn với chàng. Để được Từ Hải chấp thuận, Kiều rằng “phận gái chữ tòng”- đã là vợ thì phải theo chồng, hẳn là rất thuận tình thuận lý. Hai chữ “một lòng” được Kiều nhắc đến như khẳng định cho sự ủng hộ mà Kiều dành cho Từ trên con đường lập công danh, sự nghiệp cũng là lời quyết tâm được song hành cùng Từ trên con đường lập nghiệp. Hẳn phải là một người vợ thấu hiểu lắm Kiều mới cảm thông, ủng hộ một lòng khát vọng của người đầu ấp tay kề với mình như vậy. Trước lời đề nghị thấu tình đạt lý của Kiều, Từ Hải đã vội vàng từ chối:

“Từ rằng tâm phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

Thoạt nghe, ngỡ đó là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó là một lời động viên dành cho người tri kỉ. Từ Hải biết là Kiều vốn rất hiểu chí nguyện và khát vọng của chàng: “tâm phúc tương tri”, vì vậy mong nàng hãy vượt lên những tình cảm thông thường vốn có của nữ nhi để xứng đáng trở thành tri kỉ của người trượng phu. Nói rồi Từ Hải lại quyết lời:

“Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đườngLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Đó là những lời hứa đầy quả quyết chất chứa một niềm tin mãnh liệt của Từ Hải vào một chiến thắng lừng danh ngày trở về. Ra đi bằng quyết tâm, trở về bằng chiến thắng với cờ hoa rợp đường, tiếng chiêng reo vui trong niềm vui hội ngộ. Đó cũng là lúc Từ Hải trở thành một bậc quân tử “phi thường” trong thiên hạ với những chiến công hiển hách, mang lại hòa bình, ấm no cho nhân dân, khi ấy sẽ đường đường “rước nàng nghi gia”, cùng nàng trọn niềm vui chiến thắng. Lời Từ thật mạnh mẽ, trong lời nói là cả một niềm tin mãnh liệt ở một tương lai huy hoàng, lừng lẫy, trong từng câu nói, ta thấy được sự tự tin, bản lĩnh can trường của bậc trượng phu, quân tử.

“Bằng nay bốn bể không nhà.Theo càng thêm bận, biết là đi đâuĐành rằng chờ đó ít lâuChầy chăng là một năm sau vội gì”

Để thuyết phục Kiều hơn nữa, Từ Hải đã khéo léo tâm sự cùng nàng những khó khăn trên chặng đường phía trước “bốn bể không nhà”. Bậc trượng phu sợ rằng nếu Kiều theo sẽ thêm lo toan, gánh nặng, chàng cũng không muốn Kiều phải chịu nhiều bận tâm, khổ cực nữa. Hải khuyên Kiều hãy “đành lòng” chờ đợi, đợi “một năm sau” chàng sẽ trở về, cùng nàng vui hạnh phúc sum vầy. Hẳn rằng khi nghe được lời hứa trở về trong chiến thắng cùng mốc thời gian cụ thể “một năm” của Từ Hải, Kiều cũng sẽ phần nào an tâm mà thuận lòng để chàng ra đi.

“Quyết lời dứt áo ra điGió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Khát vọng lớn lao thôi thúc Từ Hải lên đường. Hành động “quyết lời”, “dứt áo”ra đi vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát, không chút buồn vương, vướng bận của Từ Hải đã cho thấy một ý chí và quyết tâm mãnh liệt của chàng. Giữa không gian rộng lớn của vũ trụ, Từ Hải một mình một ngựa lên đường, nhắm thẳng mục tiêu mà tới. Hình ảnh lên đường của chàng tựa như cánh chim bằng cất cánh, cưỡi gió, vượt mây chinh phục khát vọng, lập nên vinh quang trong sự nghiệp.

Đoạn trích tuy ngắn gọn mà để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng của Từ Hải. Ở Từ, chàng không chỉ là một phu tử hết lòng với người tri âm, một chàng trai thấu hiểu lẽ đời mà con là một bậc trượng phu có lý tưởng anh hùng, hành động phi thường trong thiên hạ. Vẻ đẹp của Từ Hải cũng là vẻ đẹp của một con người đại diện cho ước mơ, khát vọng của nhân dân, của một thời đại trong lịch sử.

Bằng thể thơ lục bát quen thuộc kết hợp cùng bút pháp lý tưởng hóa, sử dụng các điển tích, điển cố cùng ngôn từ được chọn lọc, trau chuốt, Nguyễn Du đã khắc họa nên hình ảnh một Từ Hải đầy phi thường và đáng ngưỡng mộ. Đó là một nhân vật với lý tưởng vì nhân dân tuyệt đẹp, thật xứng đáng với những lời mà Nguyễn Công Trứ từng viết:

” Chí làm trai Nam, Bắc, Đông TâyCho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

2. Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, mẫu 2 (Chuẩn)

Trích đoạn “Chí khí anh hùng” trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du mang đậm cảm hứng ngợi ca, khao khát một người anh hùng lý tưởng. Nhân vật Từ Hải đã thể hiện trọn vẹn ước mơ lãng mạn đó của tác giả, đó là một người anh hùng với chí khí ngút ngàn, phẩm chất phi thường. Người anh hùng Từ Hải đầy bản lĩnh, vượt qua mọi cám dỗ, vượt lên tình cảm cá nhân để ra đi gây dựng cơ đồ, sự nghiệp, khẳng định chính mình.

Mở đầu đoạn trích là gợi nhớ về quãng thời gian êm đềm hạnh phúc của Từ Hải và Thúy Kiều. “Nửa năm hương lửa đương nồng”, tình cảm họ dành cho nhau như một ngọn lửa đang rực cháy, tha thiết và sâu sắc. Thế nhưng “thoắt” cái chỉ trong chớp mắt, đấng trượng phu như Từ Hải đã “động lòng bốn phương”, chàng vốn là người có lý tưởng, có ý chí, nay đã đến lúc chàng phải đi để lập chí nguyện công danh sự nghiệp. Không thể làm kẻ mãi ngủ vùi trong tình yêu, chàng nghĩ đến thế giới bao la rộng lớn muốn ra sức tung hoành khắp chốn để tìm sự nghiệp cho chính mình. Đấng trượng phu như Từ Hải mang khát vọng lên đường lập công danh không cầu kì, khoa trương, chỉ cần “thanh gươm, yên ngựa” là đã có thể “lên đường thẳng rong”.

Đọc thêm:
Phân tích đặc điểm nhân vật Mên trong Bầy chim chìa vôi

Nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, sự ra đi của Từ Hải giống như việc lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, điều đó thể hiện cho bản lĩnh, chí khí và sự tự tin của người anh hùng. Từ Hải là một người anh hùng đầy bản lĩnh, khí phách hiên ngang phi thường. Đứng trước tình cảm mặn nồng, thủy chung của người con gái tài sắc vẹn toàn, chàng vẫn có thể dứt khoát để ra đi tìm sự nghiệp công danh. Khi Kiều mở lời xin được phò tá cho hành trình lập nghiệp của Từ Hải “Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”, chàng không chỉ từ chối khéo léo mà còn nhắc nhở Kiều phải biết rõ tình cảm giữa hai người đã là tri kỉ “tâm phúc tương tri”, không thể vì những lẽ thường tình mà vướng bận, phải “thoát khỏi nữ nhi thường tình”. Từ Hải là người anh hùng xuất chúng vì thế mà chí nguyện của chàng cũng lớn mang tầm vóc vũ trụ chứ không tầm thường.

“Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đườngLàm cho rõ mặt phi thường”

Bài văn Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Lý tưởng của chàng bay cao bay xa, hướng đến những điều tốt đẹp cao cả, mang ý nghĩa lớn lao, Từ Hải rất tự tin vào tài năng và tài năng xuất chúng của mình. Chàng ra đi không chỉ vì danh lợi của riêng mình mà còn để cho thiên hạ thấy được tài năng xuất chúng của mình, là để mang về cho Thúy Kiều danh phận đàng hoàng, một cuộc sống tốt đẹp hơn “Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”. Từ Hải không muốn Kiều đi theo mình vừa không muốn nàng phải chịu khổ cực cũng không muốn thêm vướng bận giữa “bốn bể không nhà”. Sự tự tin của Từ Hải được thể hiện qua lời hứa “chầy chăng là một năm sau vội gì”. “Chầy chăng” có nghĩa là cùng lắm, lâu lắm cũng chỉ một năm sau là chàng đã lập được công danh, thực hiện được lý tưởng của mình, đây được coi là thời gian ước định cho ý chí, nghị lực và bản lĩnh của chàng. Cuối cùng khi lòng chàng thảnh thơi không còn vướng bận, Từ Hải dứt khoát quyết tâm ra đi “quyết lời dứt áo ra đi” một cách mau lẹ. Hình ảnh gió mây chính là ẩn dụ cho người anh hùng Từ Hải mang tầm vóc vũ trụ, chí khí anh hùng bay cao, bay xa, đi đến muôn dặm trùng khơi.

Người anh hùng Từ Hải của Nguyễn Du không chỉ là hình tượng anh hùng lý tưởng của riêng văn học Trung đại mà cho đến ngày nay giá trị lý tưởng cao đẹp mà Từ Hải mang lại vấn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của nhiều thế hệ. Khác với thời xưa chỉ có nam nhi mới nuôi hoài bão, lý tưởng còn nữ nhi chỉ an phận thủ thường, ngày nay bất kể ai cũng đều có hoài bão, ước mơ và khát vọng của riêng mình. Mọi người hãy cố gắng để chạm tới ước mơ, thực hiện hoài bão để có thể có được cuộc sống tốt hơn, thành đạt hơn hoặc giúp đỡ được nhiều người hơn.

3. Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, mẫu 3 (Chuẩn)

Truyện Kiều là kiệt tác của nền văn học trung đại Việt Nam, được xem là “quốc hồn, quốc túy của dân tộc”. Qua các đoạn trích được học xuyên suốt từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông ta thấy được tài sắc hơn người, nhân cách đáng trân trọng nhưng lại có cuộc đời chìm nổi, bao phen lưu lạc chốn phong trần nàng Kiều. Bên cạnh nhân vật Thúy Kiều, tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du còn được thể hiện thông qua việc xây dựng, tái hiện chân dung, tính cách của hệ thống nhân vật phụ. Điển hình nhất trong số đó có thể kể đến Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”- người anh hùng kì tài, khí phách, xuất chúng với lý tưởng lớn lao.

Mở đầu đoạn đoạn trích, tác giả làm nổi bật “chí làm trai” của nhân vật Từ Hải qua khát vọng lên đường, tung hoành trong bốn bể:

“Nửa năm hương lửa đương nồngTrượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Vì cảm mến tài năng và con người Thúy Kiều, Từ Hải đã ra tay cứu nàng khỏi chốn thanh lâu. Trai anh hùng- gái thuyền đã kết thành tri kỉ, Từ – Kiều đã có nửa năm chung sống hạnh phúc, hài hòa“Nửa năm hương lửa đương nồng”. Cuộc sống hạnh phúc, êm đềm ấy như một nốt nhạc tròn trịa, viên mãn hiếm hoi trong bản nhạc “bạc mệnh” của Thúy Kiều, thế nhưng lại chẳng thể kéo dài được lâu. Sau nửa năm chung sống, Từ Hải lại trỗi dậy khát vọng lên đường cùng hoài bão chinh phục bốn bể, làm nên sự nghiệp lớn. Hai từ Hán việt “trượng phu” được đặt đầu câu với sắc thái trang trọng ấy cho thấy được tình cảm mến yêu, trân trọng của tác giả dành cho nhân vật. Từ Hải là một đấng nam nhi thực thụ, Từ không chỉ cứu vớt cuộc đời Thúy Kiều mà còn là một người anh hùng có hoài bão, khát vọng cao đẹp.

nghi luan ve nhan vat tu hai trong chi khi anh hung

Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Động từ “thoắt’ thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát, quyết chí ra đi của bậc anh hùng. Từ Hải mang trong mình chí lớn: lập nên công danh sự nghiệp cho thỏa chí “làm trai”, bởi vậy nên dù trải qua những tháng ngày hạnh phúc, êm ấm cùng Thúy Kiều nhưng người anh hùng ấy vẫn “động lòng bốn phương”. Đúng như Nguyễn Công Trứ từng khẳng định:

“ Chí làm trai Nam, Bắc, Tây, ĐôngCho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bế”

Không gian “bốn phương” rộng lớn, đầy kì vĩ và tráng lệ ấy phải chăng chính là ý chí mênh mang, trời bể, lớn lao của bậc anh hùng Từ Hải:

“Trông vời trời bể mênh mangThanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Không gian càng rộng lớn, mênh mang càng làm nổi bật vẻ đẹp, tầm vóc lớn lao của con người. Tư thế ra đi hiên ngang, ngạo nghễ, phong trần và đầy tự tin, một mình, một ngựa, “lên đường thẳng rong” không chút do dự, băn khoăn. Đó là sự quyết tâm, bản lĩnh hơn người của một đấng nam nhi đầy khí phách.

Không chỉ mang trong mình niềm khát khao được tung hoành khắp “bốn bể” mà ở Từ Hải ta còn thấy được vẻ đẹp của lí tưởng, sự quyết tâm. Ở nhân vật còn là sự thống nhất cao giữa lý tưởng lớn lao với tình nghĩa sâu nặng cùng Kiều, con người trọng nghĩa, trọng tình ấy được thể hiện qua cuộc đối thoại giữa Kiều:

“Nàng rằng: phận gái chữ ‘tòng”Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Chỉ với một cặp câu lục bát ngắn gọn ấy thôi nhưng ta cảm nhận được Thúy Kiều như dồn chính tâm tư, nỗi niềm của mình với Từ Hải, nàng muốn được theo Từ Hải để làm người “nâng khăn sửa túi”, có thể san sẻ những khó khăn với chàng. Tuy nhiên, đáp lại mong muốn của nàng, Từ Hải đã khéo léo từ chối:

“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Từ Hải xem Thúy Kiều là “tâm phúc tương tri”, là người tri kỉ có thể thấu hiểu mọi nỗi niềm tâm sự, mọi quyết định của chàng và vì vậy, chàng mong muốn Thúy Kiều hãy vượt lên những tình cảm thông thường của phận nữ nhi mà thấu hiểu, ủng hộ quyết định của chàng. Lời trách móc nhẹ nhàng mà chân tình ấy càng làm toát lên sự dứt khoát trong quyết định ra đi của Từ Hải. Có thể thấy khát vọng của người anh hùng có thể vượt lên những tình cảm thông thường để trở nên lớn lao, đẹp đẽ.

“Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

Những ngôn từ được chắt lọc tinh tế với những từ gợi tả hình ảnh, âm thanh, tác giả Nguyễn Du đã thể hiện đầy sinh động quyết tâm, niềm tin chiến thắng của Từ Hải: “Mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng”, “bóng tinh rợp đường”. Các hình ảnh kì vĩ, hùng tráng, lớn lao, vang dội ấy đã thể hiện khát vọng lập nên một công danh lẫy lừng, dựng nên một cõi biên thùy. Lời nói hào sảng, ngân vang, vừa mang khát vọng vừa chất chứa niềm tự hào, sự tự tin bất diệt vào chính mình của bậc kì tài “ phi thường” trong thiên hạ. Đồng thời, trong lời hứa của mình, Từ Hải còn thể hiện tâm nguyện lập nên sự nghiệp vang danh để có thể “rước nàng nghi gia”, cho Kiều một danh phận xứng đáng với con người và phẩm giá của nàng. Có thể thấy Từ Hải không chỉ là một bậc anh hùng trong thiên hạ mà còn là một đấng trượng phu mẫu mực, xứng đáng là tri âm, tri kỉ của Kiều. Hiểu được những khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp, Từ Hải trần tình với nàng:

“Bằng nay bốn bể không nhàTheo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đọc thêm:
Dàn ý vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí

Trên con đường thực hiện nghiệp lớn sẽ có những gian khó, thách thức “bốn bể không nhà”. Nhận thức được những khó khăn phía trước, Từ Hải đã từ chối ước nguyện được đi theo của Thúy Kiều, vừa để không có thêm vướng bận, có thể thỏa sức tung hoành vừa là không muốn Thúy Kiều phải chịu khổ cùng mình. Cuối cùng, để Kiều an tâm, Từ Hải hẹn ước:

“ Đành rằng chờ đó ít lâuChầy chăng là một năm sau vội gì”

“Một năm”- khoảng thời gian rất cụ thể, “một năm”, Từ Hải đã xác định rõ mốc thời gian trở lại, đó là khi nghiệp lớn hoàn thành, là khi chàng trở về rước Kiều “nghi gia”. Trong lời hẹn ước của Từ Hải với Thúy Kiều đã toát lên sự tự tin, sự chủ động và bản lĩnh của chàng trai “đầu đội trời, chân đạp đất” trong thiên hạ.

“Quyết lời dứt áo ra đi,Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”

Hành động mạnh mẽ, đầy dứt khoát của Từ Hải được gợi ra bằng các từ ngữ” quyết lời” , “dứt áo” , “ra đi”. Khác với những cuộc chia tay khác, đầy lưu luyến, bịn rịn, thấm đẫm nỗi buồn ly biệt thì cuộc chia tay giữa Kiều với Từ Hải chứa chan ý vị của niềm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng sum vầy. Người anh hùng ấy như cánh chim bằng vỗ cánh hiên ngang, tự do giữa bầu trời rộng lớn. Hình ảnh “bằng đã đến kì dặm khơi” là hình ảnh biểu trưng cho lý tưởng, khát vọng lớn lao, kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ của Từ Hải.

Với cảm hứng lãng mạn, bút pháp ước lệ, tượng trưng và lý tưởng hóa, Nguyễn Du đã dựng nên chân dung người anh hùng Từ Hải đẹp đẽ với tính cách anh hùng, phẩm cách đáng quý. Qua nhân vật Từ Hải, tác giả đã gửi gắm một tư tưởng nhân văn cao đẹp đó là ước mơ về một hình mẫu anh hùng lí tưởng. Chỉ có những bậc anh hùng như Từ Hải mới có thể làm nên nghiệp lớn, đem lại được cuộc sống, hạnh phúc, bình yên cho những phận người nhỏ bé chịu những bất công, đè nén, áp bức.

4. Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, mẫu 4 (Chuẩn)

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du không chỉ gửi gắm niềm thương cảm về số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ với số phận nổi trôi bấp bênh giữa sóng gió cuộc đời. Mà ông còn gửi gắm cả niềm khát khao về một xã hội công bằng, gửi gắm niềm hi vọng vào những người anh hùng xuất chúng “đầu đội trời chân đạp đất” . Điều đó được thể hiện thông qua hình ảnh người anh hùng Từ Hải – một con người phi thường với khát vọng phi thường trong đoạn trích Chí khí anh hùng.

Có thể nói sự xuất hiện của Từ Hải chính là ngọn đèn rọi sáng tâm hồn cô độc, số phận khổ đau, bất hạnh của Thúy Kiều. Từ Hải không chỉ dành sự yêu thương, cảm mến chân thành cho Thúy Kiều mà còn cứu nàng khỏi cuộc sống “ong bướm” chán chường chốn lầu xanh, giúp nàng báo ân báo oán. Tuy nhiên, cuộc sống đôi lứa của Từ Hải và Thúy Kiều chưa được bao lâu thì Từ Hải đã quyết chí ra đi để lập nghiệp.

Từ Hải và Thuý Kiều có nửa năm mặn nồng, hạnh phúc bên nhau “hương lửa đương nồng”. Thuý Kiều muốn giữ gìn cuộc sống bình yên như vậy, muốn được cùng người anh hùng của mình gắn bó không rời, bởi trong quá khứ, nàng đã phải chịu biết bao đau đớn, khổ cực. Thế nhưng, Từ Hải là một người anh hùng với chí lớn, trong hoàn cảnh ấy, chàng càng muốn được tung hoành, muốn làm nên nghiệp lớn, vậy nên chàng quyết tâm ra đi.

“Nửa năm hương lửa đương nồngTrượng phu thoắt đã động lòng bốn phươngTrông vời trời bể mênh mangThanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Một loạt những từ ngữ và hình ảnh được Nguyễn Du sắp xếp khéo léo, gợi lên khát vọng của Từ Hải. Động từ “thoắt” diễn tả sự mau lẹ, sự dứt khoát của chàng khi ra đi. Thứ làm chàng “động lòng” là hoài chí tung hoành bốn phương, là sự nghiệp lớn còn dang dở. Câu thơ “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương” gợi lên khát vọng to lớn của Từ Hải, chí nguyện lập nên công danh, tạo nên sự nghiệp. Đó là ý chí, là chí khí của đấng nam nhi anh hùng. Như Nguyễn Công Trứ đã từng viết rằng:

“Chí làm trai nam bắc tây đôngCho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Chàng trông về nơi xa, khát khao được ra đi, khát khao chinh phục được bốn bể “trông vời trời bể mênh mang”. Các hình ảnh “thanh gươm”, “yên ngựa”, “lên đường thẳng rong” là những hình ảnh góp phần khắc họa rõ tư thế hiên ngang và tinh thần sẵn sàng ra đi của Từ Hải. Chàng lên đường chỉ với một gươm một ngựa cùng với một khí thế hừng hực đầy quyết tâm làm cho hành động ra đi càng trở nên đẹp đẽ, hùng tráng. Từ Hải hiện lên là một người anh hùng có khát vọng, lí tưởng cao đẹp.

nghi luan ve nhan vat tu hai trong chi khi anh hung

Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Từ Hải là người anh hùng có lý tưởng và tình cảm thống nhất cao độ. Thuý Kiều xin đi cùng, chàng nhẹ nhàng trách móc:

“Từ rằng: tâm phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Kiều là vợ của chàng, là tri kỉ của cả đời chàng, tại sao chưa thể thoát ra khỏi những nghi kị của nữ nhi thường tình mà hiểu thấu lòng chàng. Chàng và nàng đã “tâm phúc tương tri”, đã hiểu hết được nỗi lòng của đối phương, thì nàng chắc chắn phải hiểu được chí lớn khát khao trong con người chàng rồi. Chàng mong nàng sẽ thấu hiểu và cảm thông cho chàng, để xứng đáng trở thành người tri kỷ của chàng, của một bậc anh hùng.

Lời từ chối của Từ Hải cho thấy chí khí của chàng đã vượt lên trên tình cảm cá nhân, chàng không vì tình cảm mà quên đi chí lớn của mình.

Thêm vào đó, trong lời hứa với Thuý Kiều, Từ Hải đã bộc lộ niềm tin vào khát vọng của mình, tài năng của mình:

“Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đườngLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia””

Lời hứa ấy của chàng với nàng, cũng là lời khẳng định với bản thân mình. Những hình ảnh “mười vạn tinh binh”, hay “tiếng chiêng rợp đất”, “bóng tinh rợp trời” là những hình ảnh lớn lao, vượt lên tầm vóc thông thường, thể hiện một không gian với phạm trù to lớn. Điều này gợi lên khát vọng to lớn của Từ Hải, đó là khát vọng mang tầm vóc vũ trụ, rộng lớn khắp thế gian. Khát vọng của chàng là “làm cho rõ mặt phi thường”, tức là làm cho người đời thấy được tài năng xuất chúng của chàng, tạo nên sự nghiệp lừng lẫy, chứng tỏ chí khí của mình. Đây là niềm tin sắt đã của chàng vào khát vọng, vào tài năng của chính mình.

Đồng thời, chàng cũng hứa với Thuý Kiều rằng, khi đó, chàng sẽ “rước nàng nghi gia”, tức là chàng sẽ đón nàng về nhà, cho nàng một danh phận lớn hơn, và cùng chung sống hạnh phúc với nàng. Từ Hải ra đi không chỉ vì hướng tới chí lớn sự nghiệp của chàng mà còn muốn hướng tới Thuý Kiều, chàng muốn cho nàng một cuộc sống hạnh phúc, một danh phận hơn người.

Trước khi ra đi, chàng cũng hứa với Kiều rằng:

“Đành lòng chờ đó ít lâuChầy chăng là một năm sau vội gì?”

Đây là lời hứa, lời khẳng định chắc chắn đầy tự tin của Từ Hải khi chàng ra đi vì khát vọng, lí tưởng của mình. Hình ảnh “bốn bể không nhà” gợi lên sự vất vả gian lao mà người anh hùng sẽ phải chịu trong những buổi đầu lập nghiệp mà Từ Hải sẽ phải đối đầu. Nhưng chàng không hề sợ hãi mà còn có phần phấn khích, mong chờ. Chàng hứa với Kiều “một năm” nữa sẽ trở về với nàng. Một năm là thời hạn ước định cho khát vọng của chàng, khẳng định sự tự tin của chàng vào tài năng của mình khi thực hiện lý tưởng.

Và cuối cùng, hình ảnh người anh hùng Từ Hải hiện lên với tư thế dứt khoát ra đi đầy bản lĩnh:

“Quyết lời dứt áo ra điGió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Hai câu thơ, hình ảnh người anh hùng hiện lên thật rõ. Nguyễn Du đã khéo lẽo sử dụng những động từ mạnh như “quyết”, “dứt”, “ra đi” để gợi lên thái độ ra đi đầy dứt khoát và bản lĩnh của Từ Hải.

Hình ảnh “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” là hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng của người anh hình với bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên nghiệp lớn. Từ Hải cũng như cánh chim bằng vút bay lên cùng gió mây, tầm vóc của chàng sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Không chỉ khát vọng được vùng vẫy, Từ Hải còn là người anh hùng với chí khí, có sức mạnh, có tài năng, có niềm tin vào bản thân mình.

Đọc thêm:
Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô

Nhân vật Từ Hải dưới ngòi bút của Nguyễn Du hiện lên là người anh hùng với chí lớn, khát vọng vùng vẫy bốn phương. Bút pháp ước lệ và lí tưởng hoá nhân vật được Nguyễn Du sử dụng triệt để khi miêu tả người anh hùng Từ Hải. Qua đó, ta cũng hiểu được quan niệm anh hùng và lí tưởng công lý mà tác giả muốn gửi gắm.

5. Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, mẫu 5 (Chuẩn)

Nguyễn Du là một trong số những tên tuổi, những cây bút tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung. Ông đã góp vào kho tàng văn học nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc được biết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán, trong đó tác phẩm “Truyện Kiều” được xem là kiệt tác của nền văn học dân tộc. Trong tác phẩm, người đọc đã nhiều lần chứng kiến nhân vật Thúy Kiều chia tay với những người yêu thương nhưng có lẽ cuộc chia tay để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc chính là cuộc chia tay giữa Kiều và Từ Hải. Và đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã tái hiện một cách chân thực và rõ nét cuộc chia tay ấy. Đặc biệt, qua đoạn trích, người đọc thấy được chí khí, vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải.

Trước hết, trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”, Từ Hải hiện lên là một con người với khát vọng lên đường mãnh liệt và khao khát được tung hoành, vùng vẫy khắp bốn phương.

Nửa năm hương lửa đương nồngTrượng phu thoắt đã động lòng bốn phươngTrông vời trời bể mênh mangThanh gươm, yên ngựa, lên đường thẳng rong.

Câu thơ mở đầu đoạn trích đã mở ra hoàn cảnh cuộc chia tay lên đường của Từ Hải. Đó chính là thời điểm “hương lửa đương nồng”, tình yêu, cuộc sống của Thúy Kiều và Từ Hải đang độ mặn nồng, êm ấm và hạnh phúc. Để rồi, trong chính hoàn cảnh ấy, khát vọng lên đường, được vẫy vùng khắp đó đây của Từ Hải càng hiện rõ lên bao giờ hết. Từ “thoắt” được tác giả sử dụng thật độc đáo, qua đó cho thấy dứt khoát, mau lẹ của Từ Hải. Cùng với đó, cái mà Từ Hải hướng đến, khiến cho Từ Hải phải động lòng đó chính là “bốn phương” – một không gian vũ trụ bao la, rộng lớn, gợi lên khát vọng lập công danh, sự nghiệp, tung hoành khắp năm châu bốn bể. Đặc biệt, tư thế lên đường của nhân vật Từ Hải còn được Nguyễn Du khắc họa rõ nét qua hàng loạt các hình ảnh “thanh gươm”, “yên ngựa” và “lên đường thẳng rong”. Tất cả những từ ngữ ấy đã gợi lên hình ảnh người anh hùng Từ Hải một mình, một ngựa, một gươm lên đường không chút do dự để thực hiện khát vọng của bản thân. Đó là một tư thế rất đẹp, hiên ngang, không chút vướng bận của người quân tử. Tư thế ấy sánh ngang với vũ trụ bao la, rộng lớn. Và như vậy, qua bốn câu thơ mở đầu đoạn trích, tác giả đã cho người đọc cảm nhận rõ nét hình tượng người anh hùng Từ Hải với khát vọng lên đường, khát vọng vẫy vùng trong trời đất năm châu bốn bể mạnh mẽ, không gì có thể cản nổi.

nghi luan ve nhan vat tu hai trong chi khi anh hung

Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Không chỉ dừng lại ở khát vọng được vẫy vùng khắp năm châu bốn bể, nhân vật Từ Hải còn hiện lên là một người có anh hùng có chí khí, có sự thống nhất cao độ giữa lí tưởng phi thường của bản thân với tình cảm nghĩa tình sâu đậm với người tri kỉ. Vẻ đẹp ấy của nhân vật Từ Hải được thể hiện rõ nét qua lời đối đáp của chàng khi Thúy Kiều quyết một lòng đi theo cùng chàng.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Nghe Thúy Kiều bày tỏ nỗi niềm muốn được đi cùng Từ Hải để chăm sóc cho chàng, Từ Hải đã nhẹ nhàng trách móc Kiều chưa thoát khỏi được những khao khát, ước muốn của nữ nhi. Đồng thời, Từ Hải cũng đã lấy đã khéo léo từ chối lời đề nghị của Kiều, bằng cách đưa ra đạo lí về tri kỉ để khuyên Kiều ở lại. Từ Hải xem Thúy Kiều là “tâm phúc tương tri”, là người tri kỉ có thể thấu hiểu mọi nỗi niềm tâm sự, mọi quyết định của chàng và vì vậy, chàng mong muốn Thúy Kiều sẽ vượt lên trên những nỗi niềm mong muốn đời thường của người con gái để xứng đáng làm người tri âm, tri kỉ của bậc anh hùng. Sự từ chối ấy cho thấy Từ Hải đã vượt lên trên tình cảm cá nhân, không chút bịn rịn, lưu luyến mà quên đi lí tưởng, khát vọng lớn lao của mình.

Thêm vào đó, Từ Hải còn là người tự tin vào tài năng của bản thân khi chàng đã cất lời hứa với Thúy Kiều.

Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Câu thơ là lời khẳng định, lời hứa của Từ Hải dành cho Thúy Kiều và với cả chính bản thân mình. “Mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng”, “bóng tinh rợp đường” là những từ ngữ, hình ảnh thuộc phạm trù không gian rộng lớn, từ đó gợi lên trong tâm trí người đọc khát vọng lớn lao, mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải. Khát vọng “làm cho rõ mặt phi thường” chính là khát vọng tạo lập được một công danh, sự nghiệp lẫy lừng khắp đó đây, xuất chúng trong thiên hạ. Đó chính là niềm tin sắt đá vào tài năng của chính mình của người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, chàng cũng hứa hẹn với Thúy Kiều khi đã có công danh lẫy lừng sẽ đón nàng “nghi gia” để vợ chồng có cuộc sống sum vầy, hạnh phúc lứa đôi. Điều đó vừa cho thấy tấm lòng, sự lo lắng cho Thúy Kiều của người anh hùng Từ Hải đồng thời cũng cho thấy niềm tin vào chính mình của chàng. Như vậy, Từ Hải ra đi không phải chỉ để thực hiện lí tưởng, hoài bão, khát khao của bản thân mình mà còn hướng tới hạnh phúc phi thường trong cuộc sống, đó chính là “trai anh hùng với gái thuyền quyên”. Thêm vào đó, lời hứa ngắn gọn với Kiều càng thể hiện rõ sự tự tin của Từ Hải.

Bằng nay bốn bể không nhàTheo càng thêm bận biết là đi đâu?Đành lòng chờ đó ít lâu,Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Với hình ảnh “bốn bể không nhà” nhà thơ đã khéo léo gợi ra những gian nan, thử thách, khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp mà người anh hùng phải đương đầu vượt qua để thực hiện lí tưởng của bản thân mình. Để rồi, từ đó, chàng cũng đã đưa ra lời hứa với Thúy Kiều về thời gian trở về. “Một năm” trong lời hứa của Từ Hải với Thúy Kiều đã cho thấy một cách rõ nét sự tự tin của chàng trên con đường chinh phục, thực hiện lí tưởng, khát vọng lớn lao của bản thân.

Cùng với đó, hình tượng người anh hùng Từ Hải hiện lên trong tác phẩm còn là con người đầy bản lĩnh và ra đi với một thái độ dứt khoát, không vướng bận, quyến luyến.

Quyết lời dứt áo ra đi,Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả Nguyễn Du đã khéo léo vẽ ra trước mắt người đọc tư thế ra đi của người anh hùng Từ Hải. Bằng việc sử dụng hàng loạt các từ ngữ “quyết”, “dứt”, “ra đi” trong cùng một câu thơ tác giả đã cho thấy sự dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng của nhân vật Từ Hải. Thêm vào đó, tác giả còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ “chim bằng” trong câu thơ cuối cùng để thể hiện hình tượng người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hoài bão lớn lao, mang tầm vóc của vũ trụ.

Tóm lại, với bút pháp lí tưởng hóa nhân vật cùng những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng, đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, qua hình tượng nhân vật Từ Hải đã thể hiện quan niệm về người anh hùng lí tưởng và ước mơ công lí của tác giả Nguyễn Du.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-nhan-vat-tu-hai-trong-doan-trich-chi-khi-anh-hung-57377n.aspx Từ Hải là một trong những hình tượng nhân vật đặc sắc nhất trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, góp phần hoàn thiện bức tranh về cuộc đời và số phận nhiều thăng trầm của nàng Kiều. Tìm hiểu về Truyện Kiều cũng như giá trị hiện thực, nhân văn sâu sắc mà tác phẩm truyền tải, các em có thể tìm hiểu thêm: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Phân tích hình tượng Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, Cảm nghĩ của em về nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều.

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button