Hai câu nói cuối cùng của Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm. Hãy phân tích và chứng minh

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Hai câu nói cuối cùng của Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm. Hãy phân tích và chứng minh

hai cau noi cuoi cung cua chi pheo da boc lo ro chu de cua tac pham hay phan tich va chung minh

Phân tích và chứng minh hai câu nói cuối cùng cảu Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm

Bài làm:

Nam Cao – nhà văn hiện thực, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, với tài năng đặc biệt trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị, viết về các đề tài khác nhau, đặc biệt là những tác phẩm viết về người nông dân. Mỗi tác phẩm của ông viết về người nông dân là một thiên trữ tình đầy xót thương đối với những kiếp người lầm than và là bản tố cáo đanh thép cho giai cấp thống trị, truyện ngắn Chí Phèo là một trong số những tác phẩm như thế. Đọc truyện ngắn Chí Phèo và đặc biệt là qua hai câu nói cuối cùng của Chí sẽ giúp chúng ta thấy rõ chủ đề của tác phẩm.

Chắc hẳn, mỗi chúng ta, những ai đã một lần đọc truyện ngắn Chí Phèo sẽ không khỏi thôi ám ảnh, suy nghĩ về hai câu nói cuối cùng của Chí trước khi xa rời cõi đời. Đó là hai câu nói “Tao muốn làm người lương thiện!” và “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách…biết không!… Chỉ có một cách là … cái này! Biết không!…”. Đó là câu nói cuối cùng trong cuộc đời của Chí Phèo, thoạt nghe, cứ nghĩ đấy là lời đối thoại của Chí đối với Bá Kiến nhưng càng suy nghĩ, ta càng nhận ra, đó là những lời Chí Phèo tự nói với chính mình, là lời ăn năn, lời giãi bày, lời thú tội, là khao khát của Chí. Nhìn lại toàn bộ tác phẩm cũng như toàn bộ cuộc đời của Chí, bạn đọc sẽ nhận ra, lời ăn năn ấy của Chí chính là chủ đề mà tác giả Nam Cao gửi tới bạn đọc: Con người, dù có những lúc họ rơi vào con đường tối tăm, tội lỗi nhưng ẩn sâu trong con người họ vẫn là bản chất tốt đẹp, là khao khát được sống, được làm người lương thiện. Đồng thời, qua đó, tác giả cũng lên tiếng tố cáo đanh thép xã hội và giai cấp thống trị đã đẩy người nông dân vào con đường tha hóa, không thể quay lại.

Đọc thêm:
Bức tranh tứ bình trong bài Việt Bắc, Tố Hữu hay ngắn chọn lọc

“Tao muốn làm người lương thiện!”. Câu nói ấy của Chí đã thể hiện cái khát khao cháy bỏng vẫn luôn tồn tại trong Chí, chỉ là bấy lâu nay, giữa con đường dài tha hóa, Chí đã quên mất hai chữ “lương thiện”, quên mất đi cái khao khát, cái bản chất tốt đẹp trong con người hắn. Để rồi, cái khát khao lương thiện ấy, đánh thức dậy trong hắn bao ước muốn và có lẽ, đây là lần đầu tiên, Chí cất lên hai tiếng “tao muốn” nhưng nó không còn là ước muốn của vật chất, của dăm ba chén rượu, đồng bạc là mà ước muốn lương thiện. Nhưng thật đau xót biết bao, cái giây phút Chí nhận ra cái khao khát ấy của mình, cũng là lúc Chí hiểu rằng, mình đã mãi mãi không thể có được nó – “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Có lẽ, hơn ai hết, Chí hiểu được rằng, chặng đường đã qua, những gì Chí đã làm thì không ai có thể dung nạp một kẻ như Chí làm lại từ đầu.

Nhìn lại cuộc đời của Chí, người đọc sẽ nhận ra, những câu nói của Chí cũng chính là lời tổng kết cho cuộc đời của hắn. Chí sinh ra không cha, không mẹ, được một người đi nhặt ống lươn mang về nuôi, lớn lên Chí cũng là một người nông dân thật thà, chất phác, hiền lành, đi ở cho nhà Bá Kiến. Nhưng rồi, sau khi bị Bá Kiến đẩy đi tù về, dường như nhà tù đã khiến Chí thay đổi tất cả, từ nhân hình đến nhân tính, từ một người nông dân hiền lành, một lực điền, Chí trở thành một kẻ lưu manh, trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Chí đắm mình trong những cơn say và lần nữa biến mình trở thành tay sai cho cha con nhà Bá Kiến, chỉ với dăm ba đồng bạc lẻ, Chí trở thành kẻ gian xảo, lừa lọc, chuyên rạch mặt ăn vạ. Với những hành động ấy của Chí đủ để lí giải vì sao, xã hội ấy không thể dung nạp lại Chí thêm lần nữa. Nhưng xét đến cùng, Chí tha hóa cũng bởi sự tàn nhẫn, cửa quyền, vô nhân đạo của giai cấp thống trị mà Bá Kiến là nhân vật điển hình. Đồng thời, cũng bởi chính sự vô tâm của những con người trong xã hội. Và tất cả những điều đó càng khiến Chí cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời và chạy xa dần trên con đường tha hóa.

Đọc thêm:
Phân tích Hành trình đi tìm lời giải về huyền thoại của dòng sông, ý nghĩa nhan đề của bài kí trong đoạn Ai đã đặt tên cho dòng sông

Và rồi, có lẽ, cuộc đời đã cho Chí thêm một lần được trở làm làm người, để hắn thêm khao khát yêu thương khi Thị Nở xuất hiện cùng bát cháo hành và tình yêu của thị. Chính tình yêu thương của Thị đã giúp Chí được trở lại làm người, để Chí có thể cảm nhận được những âm thanh bình dị, quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày mà trong những cơn say hắn chưa một lần cảm nhận thấy. Thị đến và mang đến bên cuộc đời Chí bao niềm khao khát, để thêm một lần nữa Chí nhớ lại những ngày tháng tuổi trẻ của mình, với niềm khát khao, bình dị như bao người nông dân khác. Nhưng rồi, đến cuối cùng, cái ước ao “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” của Chí, cái khao khát được thị yêu thương chăm sóc của Chí đã không thể trở thành hiện thực. Để Thị Nở xuất hiện, đánh thức phần lương thiện trong Chí và để “chuyện tình” giữa Chí và Thị không thành sự thực phải chăng là cách để nhà văn Nam Cao làm rõ hơn cái bi kịch “không thể làm người lương thiện” nữa của Chí.

Và chung quy lại, qua sự phân tích trên, một lần nữa cho ta thấy, hai câu nói cuối cùng của Chí Phèo vừa thể hiện khao khát được làm người lương thiện – “tao muốn làm người lương thiện” nhưng đồng thời, khi ý thức sống, khao khát sống của Chí trỗi dậy, cũng là lúc Chí nhận ra “Tao không thể làm người lương thiện được nữa.” bởi Chí đã bị cả xã hội ruồng bỏ, đó cũng chính là lời cảnh tình, phê phán giai cấp cường quyền đã đẩy người nông dân vào con đường tha hóa, cướp đi quyền được sống, được làm người của họ. Đồng thời, qua hai câu nói, cũng cho ta thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao – đó chính là sự phát hiện nâng niu, trân trọng, đồng cảm với những khát khao, với những vẻ đẹp trong tâm hồn con người.

Đọc thêm:
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều

– HẾT –

https://thuthuat.taimienphi.vn/hai-cau-noi-cuoi-cung-cua-chi-pheo-da-boc-lo-ro-chu-de-cua-tac-pham-hay-phan-tich-va-chung-minh-42163n.aspx Như vậy Taimienphi.vn đã giúp các em phân tích và chứng minh hai câu nói cuối cùng của nhân vật Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm. Tiếp theo, để dễ dàng củng cố kiến thức đã học, có nhiều kỹ năng viết bài, các em có thể tìm hiểu thêm các bài viết: Phân tích tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo, tóm tắt truyện Chí Phèo, Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao qua Chí Phèo,…

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button