Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều

dong vai thuy kieu ke lai doan trich chi em thuy kieu

Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều

I. Dàn ý Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)

1. Mở bài

Trong vai Thúy Kiều, giới thiệu khái quát về bản thân

2. Thân bài

– Kiều giới thiệu về hoàn cảnh gia đình:+ Gia đình có 2 người con gái xinh đẹp.+ Kiều là chị, em gái là Thúy Vân.+ Hai người đều xinh đẹp, thanh cao, trong trắng, mỗi người một vẻ khác nhau.

– Giới thiệu về vẻ đẹp của em gái Thúy Vân:+ Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang.+ Vẻ đẹp khiến cho thiên nhiên tạo hóa phải chịu thua, khiêm nhường.

– Giới thiệu về nhan sắc bản thân mình:+ Sắc sảo về trí tuệ và mặn mà về tâm hồn.+ Vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.+ Vẻ đẹp làm cho tạo hóa phải ghen ghét, đố kị.

– Nói về tài năng, số mệnh của mình:+ Tài năng đạt đến độ lí tưởng theo quan niệm phong kiến.+ Đủ tài cầm, kì, thi, họa, giỏi nhất là đánh đàn Hồ.+ Tự sáng tác khúc đàn Bạc Mệnh ai nghe cũng sầu não, đau khổ.

3. Kết bài

Cảm nghĩ về cuộc sống của hai chị em: cuộc sống êm đềm, khuôn phép, khát khao yêu đương hạnh phúc.

II. Bài văn mẫu Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều

1. Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều, mẫu 1 (Chuẩn)

Tôi chính là con gái lớn trong gia đình Vương viên ngoại – Thúy Kiều, em gái tôi là Thúy Vân. Chúng tôi thường nhận được lời khen ngợi, ngưỡng mộ từ mọi người xung quanh vì có vẻ đẹp “mười phân vẹn mười, không chỉ duyên dáng, thanh cao mà còn có tâm hồn trong sáng, thanh cao. Tuy nhiên vẻ đẹp của hai chị em tôi cũng có sự khác nhau.

Em gái Thúy Vân của tôi có vẻ đẹp trang trọng khác vời, một vẻ đẹp cao sang, quý phái rất mực đoan trang. Khuôn mặt em tròn đầy như vầng trăng hôm rằm, đôi chân mày đẹp tựa con ngài, nụ cười tươi như hoa nở và giọng nói trong trẻo như ngọc. Em tôi có một vẻ đẹp trung thực, phúc hậu, hơn cả là vẻ đẹp của em còn phải khiến thiên nhiên tạo hóa phải khiêm nhường, chịu thua. Mái tóc em đen óng nhẹ hơn mây, làn da trắng mịn màng hơn tuyết. Bản thân tôi lại có phần sắc sảo và mặn mà hơn, cả tài cả sắc lại có phần hơn em gái Thúy Vân. Ai cũng nói tôi có đôi mắt đẹp và trong như làn nước mùa thu, đôi lông mày đẹp mềm mại, thanh thoát như dáng núi mùa xuân. Vẻ tươi trẻ tràn đầy sức sống của tôi có thể sẽ khiến hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Đã từng có nhiều người nói rằng nhan sắc của tôi có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành, mất nước. Tôi được mọi người ngưỡng mộ không chỉ bởi nhan sắc xuất chúng mà còn bởi tài năng hơn người. Vì gia đình khá giả, tôi có có điều kiện học đủ cầm, kì, thi, họa, sở trường của tôi là đánh đàn, cung đàn “Bạc mệnh” mà tôi tự sáng tác chính là tiếng lòng đa sầu đa cảm của chính bản thân mình, một khi khúc nhạc cất lên có thể làm cho lòng người sầu não đau khổ.

Đọc thêm:
Dàn ý phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ

Cả hai chị em tôi đều là những người con gái của gia đình quyền quý, phong lưu. Mặc dù đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn rất mực khuôn phép, trướng rủ màn che, mặc cho những đôi tình nhân ong bướm dập dìu qua lại. Chị em tôi vẫn luôn khao khát về một tình yêu đúng nghĩa và một hạnh phúc thực sự.

2. Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều, mẫu 2 (Chuẩn)

Tôi là con gái của gia đình nhà họ Vương, gia đình tôi khá giả, thuộc vào bậc trung lưu trong xã hội lúc bấy giờ. Trong gia đình có cha mẹ, em trai Vương Quan và hai chị em gái, tôi tên Thúy Kiều, là chị, em gái của tôi tên Thúy Vân. Cha mẹ luôn tự hào vì có hai người con gái vừa đẹp người vừa đẹp nết.

Em gái Thúy Vân của tôi mang một vẻ đẹp trang trọng, quý phái, vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ nhất qua khuôn mặt. Khuôn mặt Thúy Vân như trăng tròn đầy đặn, phúc hậu, nét lông mày nở nang càng làm nổi bật lên đôi mắt đẹp. Thúy Vân có nét duyên dáng, đoan trang của một tiểu thư khuê các, nụ cười của em tươi như hoa nở, giọng nói trong như ngọc. Mái tóc của Thúy Vân mềm mại, bồng bềnh đến mây cũng phải thua, làn da trắng, mịn màng đến tuyết cũng phải nhường. Khi nói về vẻ đẹp của hai chị em, mọi người thường nhận xét tôi có phần sắc sảo và mặn mà hơn. Nhìn vào mắt tôi mọi người thấy như làn nước mùa thu trong vắt, nhìn đôi lông mày thanh tú lại liên tưởng tới nét núi mùa xuân đẹp đẽ. Đến hoa cỏ cũng phải ghen ghét, dỗi hờn với nhan sắc và vẻ đẹp đằm thắm của tôi. Thậm chí còn có người nhận xét rằng vẻ đẹp của tôi có thể làm nghiêng nước nghiêng thành – mất thành mất nước. Nói về sắc thì không có ai có thể sánh bằng. Tôi vốn thông minh và ham học từ nhỏ, tôi tinh thông mọi tài nghệ: đánh đàn, chơi cờ, ngâm thơ và vẽ tranh. Trong đó sở trường của tôi là đánh đàn Hồ, tôi thuộc lòng các cung bậc và tự viết nên bản nhạc có tên là “Bạc mệnh”, ai đã từng nghe đều nói bản nhạc này như ẩn chứa nỗi lòng khiến cho lòng người đau khổ, sầu não.

Đọc thêm:
Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Sống trong gia đình quyền quý phong lưu, chị em tôi luôn mong muốn cuộc sống sau này của mình sẽ được êm đềm, hạnh phúc.

3. Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều, mẫu 3 (Chuẩn)

Gia đình tôi thuộc dòng họ Vương, cha tôi là Vương viên ngoại. Gia cảnh cũng thuộc bậc trung lưu, quyền quý. Cha mẹ tôi chỉ có hai người con gái đó là tôi và em gái của tôi, tôi tên là Thúy Kiều, em gái tôi là Thúy Vân. Cả hai chị em đều là những người thiếu nữ đang độ xinh đẹp nhất, vừa duyên dáng, thanh cao lại trong trắng.

Em gái Thúy Vân có một vẻ đẹp quý phái, kiêu sa, sang trọng không phải người con gái nào cũng có. Khuôn mặt em toát ra vẻ hiền hòa, nhã nhặn, đôi lông mày đậm, rõ nét lộ rõ vẻ phúc hậu, dịu dàng. Khuôn mặt đã xinh đẹp, khi em cười lại càng đẹp hơn, nụ cười của Vân tựa như hoa nở, bừng sáng không gian, giọng nói em trong sáng như ngọc vừa thanh vừa ấm. Thúy Vân mang vẻ đẹp chuẩn mực của một thiếu nữ đoan trang, dịu dàng. Không chỉ vậy, vẻ đẹp của em còn khiến cho mây và tuyết của tạo hóa phải chịu thua. Điển hình như mái tóc dài bồng bềnh nhẹ hơn mây của em và làn da trắng muốt mịn màng hơn tuyết. Nếu Thúy Vân mang vẻ đẹp thanh cao, đài các thì tôi lại nổi bật với sự sắc sảo, mặn mà. Tôi được mọi người ngưỡng mộ bởi nhan sắc và tài năng xuất chúng, hơn người. Vẻ đẹp của tôi được được bộc lộ rõ nét nhất qua đôi mắt, hàng lông mày. Đôi mắt tôi trong sáng như mặt nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân, đôi môi đỏ thắm hơn hoa, dáng người thanh thoát, uyển chuyển hơn dáng liễu. Thậm chí vẻ đẹp của tôi còn được ví như Điêu Thuyền hay Tây Thi thời xưa, một vẻ đẹp hồng nhan họa thủy khiến cho mất thành mất nước. Một thiếu nữ như tôi cũng là một bậc kỳ tài trong cầm, kì, thi, họa. Trong xã hội xưa mọi người thường không trọng nữ nhân, quan niệm của mọi người đều cho rằng người phụ nữ có tài có sắc thì thường bạc mệnh. Có lẽ chính vì thế nên tâm tư tôi lúc nào cũng đa sầu, đa cảm, tự mình viết nên cung đàn mang tên Bạc mệnh để nói lên nỗi lòng.

Đọc thêm:
Diễn biến tâm trạng của Mị trong "đêm tình mùa xuân" trong Vợ chồng A Phủ siêu hay của học sinh giỏi

Nói về hoàn cảnh sống của tôi và em gái, cả hai đều sống trong nhung lụa, gấm vóc, chẳng phải làm lụng vất vả hay lo toan điều gì. Cuộc sống êm ả trướng rủ màn che, cả hai đều đã đến tuổi xuất giá nhưng bỏ ngoài tai mọi lời ong bướm, mặc cho những đôi nhân tình dập dìu ngoài kia tôi và em gái vẫn luôn giữ mình thuần khiết, nề nếp khuôn phép.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/dong-vai-thuy-kieu-ke-lai-doan-trich-chi-em-thuy-kieu-69414n.aspx Có thể nói, những nét khắc họa về nhan sắc, tài năng cũng như tính cách của Thúy Vân, Thúy Kiều đều là bút pháp nghệ thuật cổ điển. Các em có thể tham khảo thêm một số bài sau để cảm nhận rõ hơn: Đóng vai Thúy Vân kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Giới thiệu vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Phân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều.

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button