Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Đề bài: Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
I. Dàn ý Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ ngắn gọn
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chi tiết “lá ngón”.
2. Thân bài
a. Ý nghĩa:– Là một vị thuốc cực độc, một loài cây dân gian đặc trưng cho vùng miền núi phía Bắc.- Là hình tượng đặc biệt giúp bộc lộ những bước ngoặt cuộc đời của nhân vật chính.b. Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần thứ nhất:– Khi Mị bị ép trở thành con dâu gán nợ, để trả mối nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị muốn tự giải thoát khỏi những bi kịch mà bản thân đang phải gánh chịu. => Tự hái cho mình một nắm lá ngón, dự định quay về gặp cha mẹ lần cuối rồi quyên sinh.- Chi tiết này cho thấy sự phản kháng mạnh mẽ trong tâm hồn Mị:- Bản thân Mị tìm đến lá ngón ở đây lại là một biểu hiện rất rõ ràng và mạnh mẽ của lòng khao khát tự do, khao khát hạnh phúc và cuộc sống tươi đẹp.- Sau cùng Mị vẫn từ bỏ việc tự giải thoát “Mị ném nắm lá ngón xuống đất” và quay trở lại nhà thống lý Pá Tra, đó lại là một bản lĩnh của Mị, vì lòng hiếu thảo, thương cha già, Mị lại không đành lòng chết.- Mị chọn một cách “chết” khác, ấy là sống âm thầm lặng lẽ chịu đựng tất cả những đắng cay tủi nhục.
c. Lần thứ hai hình ảnh lá ngón xuất hiện:– “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”, bản thân cô cũng không còn tưởng đến việc ăn lá ngón để chết đi cho đỡ khổ nữa.- Mị đã quen với cái khổ, Mị không còn muốn phản kháng, hay có sức lực để phản kháng.- Hình ảnh nắm lá ngón dường như đã phai mờ trong tâm trí Mị, bởi lẽ cô cũng chẳng còn tha thiết gì nữa, đồng nghĩa với việc niềm khao khát tự do, khao khát niềm vui sống đã dần tàn lạnh trong tâm hồn Mị, như một nắm tro lạnh lẽo.
d. Lần thứ ba:– Trong đêm tình mùa xuân ấy, tiếng sáo gọi bạn tha thiết, đã khơi dậy trong lòng cô biết bao nhiêu những kỷ niệm tươi đẹp.- Một nỗi đau khác trong lòng Mị bị cạy mở ra, cũng là nỗi đớn đau nhất cuộc đời mà Mị phải gánh chịu, Mị bị ép gả cho A Sử hai người sống với nhau mà không hề có một chút tình yêu. Ý định quyên sinh đã chết từ lâu nay lại bùng lên trong lòng Mị .- Tâm hồn ham sống, ham hạnh phúc của Mị đã dần thức tỉnh, Mị đã lại cảm thấy đớn đau, lại muốn tự giải thoát cuộc đời mình bằng một cách nào đó.→ Mị đã nghĩ đến lá ngón bằng một sự phẫn nộ, uất ức đến tận cùng, là sự phản kháng mạnh mẽ, hòng tự cứu bản thân khỏi cái bể khổ mà mình đã phải gánh chịu biết bao nhiêu lâu nay.=> Đánh dấu sự sống lại của một tâm hồn vốn đã nguội lạnh, không quan tâm chuyện sống chết, từ đó mở ra cho tác phẩm cũng như nhân vật những hướng đi mới, những lối thoát và bước ngoặt mới mang tính quyết định.
3. Kết bài
Cảm nghĩ chung
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ hay nhất
1. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ siêu hay số 1
1.1. Dàn ý Phân tích hình tượng nắm lá ngón siêu hay:1.1.1. Mở bài:– Giới thiệu về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và tác giả Tô Hoài.- Giới thiệu chung về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm. 1.1.2. Thân bài:a) Giải thích lá ngón là gì:– Lá ngón là loại lá có chứa chất kịch độc. Người ăn phải lá ngón sẽ buồn nôn, thân nhiệt hạ, đau bụng dữ dội, khó thở và rất nhanh tiến đến cái chết nếu không được cấp cứu kịp thời.=> Lá ngón chính là sứ giả của cái chết đối với các dân tộc miền núi phía Bắc.- Trong “Vợ chồng A Phủ”, lá ngón chính là đại diện của cái chết, là sự giải thoát cho Mị khỏi ách bóc lột của chế độ phong kiến miền núi. b) Phân tích hình ảnh nắm lá ngón trong “Vợ chồng A Phủ”:* Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần thứ nhất: – Khi Mị bị ép trở thành con dâu nhà thống lí Pá Tra để trả nợ cho bố mẹ. – Không thể chấp nhận sự thật đó, Mị quyết định hái nắm lá ngón, trở về quỳ lại bố rồi tự vẫn -> Đây là hành động đại diện cho sự phản kháng của Mị. => Thể hiện thái độ rất rõ ràng: Thà chết chứ không chịu chấp nhận cuộc đời làm dâu gạt nợ, làm nô lệ cho nhà quan thống lí. => Mị là cô gái luôn khao khát tự do và hạnh phúc đích thực.- Tuy nhiên, cô lại từ bỏ việc quyên sinh vì thương bố. Cô hiểu rằng nếu cô chết, bố lại càng khổ hơn -> Nỗi đau không được lựa chọn số phận cuộc đời mình * Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần thứ hai: – Sau một vài năm ở nhà thống lí, “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”. -> Mị đã mất đi sức phản kháng, khao khát tự do.=> Điều này đồng nghĩa với việc Mị dần bị tha hóa, lãnh cảm với cuộc đời, không còn khát khao vui sống. Tâm hồn Mị giờ đây đã trở nên lạnh lẽo. * Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần thứ ba: – Trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo tha thiết văng vẳng bên tai cùng với men rượu làm cho những kỉ niệm tươi đẹp ngày xưa sống dậy trong Mị.- Cô nghĩ đến những ngày tháng phải làm trâu ngựa cho nhà thống lí, nghĩ đến cuộc hôn nhân không tình yêu của mình với A Sử.=> Hai cuộc sống của quá khứ và hiện tại cùng nhau xuất hiện khiến Mị đau đớn, phẫn nộ, uất ức, muốn giải thoát bản thân. – “Nếu có nắm lá ngón trong lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa” -> Muốn được tự do mà không còn cách nào khác, Mị chỉ đành nghĩ tới cái chết để tự cứu bản thân khỏi bể khổ.=> Tâm hồn, khát vọng tự do của Mị đã sống dậy. Đây cũng là điều kiện để mở đường cho nhân vật tìm thấy lối thoát trong phần tiếp theo của truyện ngắn. c) Ý nghĩa của chi tiết lá ngón:– Thể hiện khao khát được tự do, được giải thoát khỏi cuộc sống lầm than của nhân dân. – Tố cáo chế độ phong kiến miền núi đã đẩy con người vào cảnh phải tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời. 1.1.3. Kết bài:– Khái quát lại về chi tiết lá ngón trong truyện ngắn.
1.2. Bài văn Cảm nhận về hình ảnh nắm lá ngón trong Vợ chồng A Phủ
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài ngoài việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ông còn khắc họa cuộc sống khổ cực của nhân dân vùng cao. Nỗi khổ ấy được khai thác trong chi tiết “nắm lá ngón”. Đây là hình tượng nghệ thuật có nhiều ý nghĩa, được lặp lại đến ba lần, góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Lá ngón hay còn gọi là ngón vàng, thuốc rút ruột, là loài cây dây leo, hoa vàng, sinh trưởng ở vùng núi phía Bắc nước ta. Đây là loại lá có chứa chất kịch độc. Người ăn phải lá ngón sẽ buồn nôn, thân nhiệt hạ, đau bụng dữ dội, khó thở và rất nhanh tiến đến cái chết nếu không được cấp cứu kịp thời. Đối với những người dân tộc miền núi phía Bắc, lá ngón chính là sứ giả của tử thần. Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, lá ngón chính là đại diện cho cái chết của nhân vật Mị.
Chi tiết là ngón xuất hiện lần đầu tiên sau khi Mị bị A Sử bắt đi, bị nhà thống lí cúng trình ma rồi trở thành con dâu của Pá Tra. Đáng nói hơn, việc Mị đi làm dâu nhà thống lí không phải vì yêu A Sử mà để trả nợ cho bố mẹ. Không thể chấp nhận việc mình phải sống cả đời trong nhà quan, nên vợ chồng với người mình không yêu, Mị tuyệt vọng vô cùng. Ngày nào cô cũng khóc. Cô quyết định hái nắm lá ngón, trở về quỳ lạy bố rồi tự vẫn. Đây là hành động quyết liệt, thể hiện thái độ phản kháng mạnh mẽ của cô trước cường quyền. Mị đã thể hiện thái độ rất rõ ràng: thà chết chứ không chịu chấp nhận cuộc đời làm dâu gạt nợ, làm nô lệ cho nhà quan thống lí. Từ đó, ta có thể thấy Mị là cô gái luôn khao khát tự do và hạnh phúc đích thực. Thế nhưng, cuộc đời có nhiều nỗi bi kịch. Nếu như Mị chết đi, bố cô lại càng khổ hơn nữa. Ông sẽ phải làm lụng vất vả để tiếp tục trả nợ cho nhà thống lí. Bố đã tuổi cao sức yếu, cô cũng không muốn ông phải chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Hiểu được điều đó, Mị quyết định không tự vẫn nữa. Cô ôm theo lòng hiếu thảo và nỗi đau không được lựa chọn số phận của chính mình tiếp tục sống.
Sau một vài năm ở nhà thống lí, dù bố đã mất, không còn ai để bắt vạ, “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”. Cuộc sống quanh năm lùi lũi, không nói không rằng, chỉ biết làm việc quần quật như trâu ngựa đã khiến cho Mị trở nên chai lì. Cô không còn khao khát sống nữa. Trong căn buồng chỉ có một ô cửa sổ bé bằng bàn tay, hướng ra “chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”, Mị đã đánh mất khái niệm thời gian, đánh mất cả khát vọng tự do của bản thân. Giờ đây, trong nhà thống lí Pá Tra chỉ còn một cô Mị quanh năm cúi đầu, mặt buồn rười rượi mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc Mị dần bị tha hóa, lãnh cảm với cuộc đời, không còn khát khao vui sống. Tâm hồn Mị giờ đây đã trở nên lạnh lẽo, không còn muốn phản kháng nữa.
Thế nhưng, trong đêm mùa xuân, đôi lứa hẹn hò, rủ nhau đi đánh pao, thổi kèn, sức sống lại trỗi dậy trong lòng Mị. Nghe tiếng sáo văng vẳng bên tai cùng với men rượu, những kỉ niệm tươi đẹp ngày xưa sống dậy trong Mị. Cô cũng đã từng xinh đẹp, cũng từng khát khao được sống bên người mình yêu thương. Nghĩ đến đây, Mị bỗng cảm thấy chua xót, đau đớn, uất ức cho thân phận mình. Mị cũng là cô gái xinh đẹp, chăm chỉ, cũng xứng đáng có được tình yêu và người mình yêu. Vậy mà, Mị đã phải sống chung với người tàn nhẫn như A Sử, chịu cảnh bị đánh đập, làm trâu ngựa cho nhà thống lí hằng mấy năm trời. Nỗi tiếc nuối tuổi xuân, đau đớn cho chính mình khiến Mị nghẹn ngào, tủi hổ. “Nếu có nắm lá ngón trong lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Ý nghĩ này xuất hiện cũng là lúc con người của Mị thức tỉnh. Cô đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Muốn được tự do mà không còn cách nào khác, Mị chỉ đành nghĩ tới cái chết để tự cứu bản thân khỏi bể khổ. Tâm hồn, khát vọng tự do của Mị đã sống dậy. Đây cũng là điều kiện để mở đường cho nhân vật tìm thấy lối thoát trong phần tiếp theo của truyện.
Vậy là, qua chi tiết lá ngón, người đọc thấy được khao khát được thoát khỏi cuộc sống lầm than của nhân dân. Đồng thời, chi tiết này xuất hiện đến ba lần cũng góp phần tố cáo chế độ phong kiến miền núi. Chính nó đã đẩy con người vào cảnh sống không bằng chết, muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Tác giả cũng phê phán những người như thống lí Pá Tra đã quá tàn nhẫn, ác độc, chỉ vì làm giàu cho bản thân mà đày đọa người dân khiến họ mất đi ý thức, mất đi sự tự do. Chính vì vậy, những người làm quan, đã giàu lại càng giàu, còn tầng lớp nhân dân như Mị, như A Phủ, đã nghèo lại càng lầm than, đói khổ.
Nhìn chung, có thể nói hình tượng lá ngón mang tính nghệ thuật rất cao. Nó đã trở thành dấu hiệu cầu cứu Cách mạng của đồng bào miền núi. Khi mà ánh sáng của Cách mạng còn quá xa, người dân còn phải sống trong tăm tối thì một nắm lá ngón chính là cách giải thoát con người khỏi cuộc sống bị áp bức, bóc lột.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Thông qua hình tượng nắm lá ngón, người đọc có thể thấy được khát vọng tự do mãnh liệt của người dân Tây Bắc. Đồng thời nhìn rõ bộ mặt xấu xa, tàn ác của chế độ phong kiến miền núi. Để củng cố thêm vốn hiểu biết về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, các em tham khảo thêm các bài viết: Cảm nhận về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, Diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân trong Vợ chồng A Phủ, Giá trị hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật trong Vợ chồng A phủ.
2. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của học sinh giỏi số 2
Trong nền văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn trước và sau cách mạng thực sự đã xuất hiện rất nhiều những ngòi bút tài năng làm rực sáng cả nền văn học của dân tộc. Các tác phẩm gắn liền với một thời đại đau thương, khốn khổ của dân tộc, đặc biệt là nhấn mạnh vào sự bất hạnh, cùng cực của những người nông dân, trí thức nghèo khổ đương thời với vòng xoáy bi kịch cuộc đời tàn khốc. Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng như Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay Vợ Nhặt của Kim Lân,… Đến với Tô Hoài, một tác giả tài năng với gia tài sáng tác đồ sộ trên nhiều thể loại, với những đối tượng độc giả khác nhau, ông cũng góp vào nền văn chương Việt Nam một số những tác phẩm phản ánh hiện thực đất nước những năm còn kháng chiến, tiêu biểu nhất ấy là tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Một tác phẩm đã nêu lên rất số phận bất hạnh của những con người thấp cổ bé họng ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt là thân phận đớn đau của người phụ nữ dưới ách áp bức của cả thần quyền và cường quyền. Trong đó xoay quanh cuộc đời đầy bi kịch của nhân vật Mị, nắm lá ngón đã ba lần xuất hiện trong cuộc đời cô, với những ý nghĩa đánh dấu từng bước ngoặt của cuộc đời người phụ nữ này tựa như một “nhãn tự” đặc biệt cho tác phẩm.
Có lẽ rằng bản thân chúng ta cũng đã đôi lần được nghe về thứ lá “đoạn trường” tên là lá ngón mà người dân miền núi vẫn thường truyền tai nhau về mức độ độc của chúng, khi mà chỉ cần một nắm nhỏ, con người ta có thể dễ dàng kết thúc cuộc đời mình. Đó là một vị thuốc cực độc, một loài cây dân gian đặc trưng cho vùng miền núi phía Bắc, đặc trưng cho nền văn hóa của các dân tộc nơi đây. Việc đưa hình ảnh nắm lá ngón vào tác phẩm, chưa xét đến những ý nghĩa sâu xa, mà ban đầu bản thân nó đã có tác dụng tô đậm thêm phong vị, âm hưởng núi rừng Tây Bắc cho tác phẩm, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và gắn bó của tác giả đối với mảnh đất này.
Trong tác phẩm nắm lá ngón đã xuất hiện đến ba lần, thông qua hành động và suy nghĩ của nhân vật Mị. Lần đầu tiên ấy là khi Mị phát hiện mình bị cướp về nhà thống lý Pá Tra, bị ép trở thành con dâu gán nợ, để trả mối nợ truyền kiếp của cha mẹ, nỗi đau khổ cùng cực khi bị ép lấy người mình không yêu, phải rời xa gia đình, từ bỏ tình yêu, đặc biệt, mất đi cuộc sống tự do khiến Mị không thể chịu nổi. Trước những đớn đau như vậy, Mị đã khóc suốt mấy tháng trời, cuối cùng cô bỏ trốn về nhà, trong lòng cô gái trẻ lúc này là sự tuyệt vọng khôn cùng, cô muốn buông bỏ tất cả, muốn kết thúc sinh mạng của mình để tự giải thoát khỏi những bi kịch mà bản thân đang phải gánh chịu. Chính vậy nên, trên đường đi khi băng qua rừng, Mị đã tự hái cho mình một nắm lá ngón, dự định quay về gặp cha mẹ lần cuối rồi quyên sinh. Điều ấy cho thấy sự phản kháng mạnh mẽ trong tâm hồn Mị, khi phải chịu cảnh sống đày đọa, thì chi bằng chết đi để tự giải thoát cho bản thân khỏi những dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần, kết thúc tất cả những bi kịch khủng khiếp mà cô không đáng phải gánh chịu. Có thể rằng đây là một lối giải thoát kiểu cực đoan, giống như cái cách mà Chí Phèo đã dùng dao tự tử, thế nhưng xét thật kỹ lại, Mị làm gì có lựa chọn nào khác, khi sống mà chẳng khác nào đã chết rồi, thậm chí còn chẳng sung sướng bằng chết đi, bởi chết là hết, còn sống là còn phải chịu đựng. Tìm đến cái chết chính là sự phản kháng bị động duy nhất mà Mị có thể làm lúc bế tắc như này. Sự xuất hiện của nắm lá ngón, đã phản ánh gay gắt sự tàn bạo của chế độ phong kiến cường quyền và thần quyền tàn ác đã bức ép một cô gái lương thiện, yếu đuối như Mị phải tìm đến cái chết. Cũng đồng thời phản ánh đời sống thống khổ, đầy bi kịch và đắng cay đến tột cùng của nhân dân ta trước ngày giải phóng như việc ăn phải nắm lá ngón, rồi quằn quại đợi đến lúc kết thúc cuộc đời tối tăm. Trong khi ấy bản thân Mị tìm đến lá ngón ở đây lại là một biểu hiện rất rõ ràng và mạnh mẽ của lòng khao khát tự do, khao khát hạnh phúc và cuộc sống tươi đẹp. Cô ý thức rất rõ ràng những quyền ấy của mình, thế ngay khi gần như vĩnh viễn bị tước đi nó cô đã không còn tha thiết gì việc sống nữa, bởi không còn tự do, phải sống với kẻ mình không yêu, và một cuộc đời nô lệ thì còn khổ hơn là chết. Thế nhưng cuối cùng Mị vẫn sống, Mị vẫn từ bỏ việc tự giải thoát “Mị ném nắm lá ngón xuống đất” và quay trở lại nhà thống lý Pá Tra. Thực sự đó lại là một bản lĩnh của Mị, Mị có thể dễ dàng chết đi, thế nhưng vì lòng hiếu thảo, thương cha già, Mị lại không đành lòng chết, bởi Mị chết là hết, nhưng món nợ của cha vẫn còn đó, nó sẽ còn hành hạ cha Mị dài lâu. Chính vì vậy cô gái ấy đã chọn một cách “chết” khác, ấy là sống âm thầm lặng lẽ chịu đựng tất cả những đắng cay tủi nhục như một cỗ máy lao động biết nói, không còn thiết tha gì đến cuộc đời nữa. Mị sống không phải vì ham sống, mà căn bản chỉ là một sự tồn tại, một sự trả món nợ truyền kiếp, tận hiếu.
Lần thứ hai hình ảnh lá ngón xuất hiện ấy là khi Mị đã ở trong nhà thống lý được vài năm, lúc này đây sự đau khổ, bất hạnh tột bậc đã hoàn toàn làm chai sạn đi cái tâm hồn trong sáng của Mị. Đến độ “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”, rồi thì cô còn tự ý thức được rằng “Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày”. Nghe thật đắng cay chua xót. Thế nhưng dẫu khổ cực đến tận cùng như thế, bố Mị cũng mất rồi, nhưng lúc này bản thân cô cũng không còn tưởng đến việc ăn lá ngón để chết đi cho đỡ khổ nữa. Điều đó không chỉ đơn thuần là bản thân Mị đã quen với cái khổ, mà đúng hơn là đối với Mị hiện tại sống hay chết cũng chẳng khác là mấy, Mị không còn muốn phản kháng, hay có sức lực để phản kháng. Mị bắt đầu tồn tại như một thực thể vô tri, như cái tàu nước, bờ đá không biết đau đớn, không biết thế nào là khổ sở hay hạnh phúc. Mị đã hoàn toàn tuyệt vọng và đem tất cả những niềm khao khát tự do chôn vùi tận sâu trong trái tim, bọc bên ngoài nó một lớp vỏ sần sùi chai sạn. Chính vậy nên hình ảnh nắm lá ngón dường như đã phai mờ trong tâm trí Mị, bởi lẽ cô cũng chẳng còn tha thiết gì nữa, trong đầu Mị lúc nào cũng chỉ có việc đi làm, đến độ cô quên mất cả việc phải giao tiếp phải nói chuyện, cứ mãi sống như con rùa lùi lũi trong xó cửa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc niềm khao khát tự do, khao khát niềm vui sống đã dần tàn lạnh trong tâm hồn Mị, như một nắm tro lạnh lẽo.
Đến thứ ba, lá ngón lại một lần nữa xuất hiện trong tâm trí Mị, trong đêm tình mùa xuân ấy, tiếng sáo gọi bạn tha thiết, đã khơi dậy trong lòng cô biết bao nhiêu những kỷ niệm tươi đẹp. Một thời con gái son sắt, được bao chàng trai theo đuổi, lại có một tình yêu đẹp, một tài thổi sáo, thổi lá hay, rồi trong những đêm hội mùa xuân Mị được tung tăng tự do vui chơi, váy vóc sặc sỡ,… Nghĩ đến đấy Mị thấy lòng mình nôn nao, thấy buồn, rồi Mị uống rượu ừng ực từng bát như để trút hết những nỗi buồn khổ trong lòng, rồi Mị lại thổi lá. Ánh lửa của niềm khao khát hạnh phúc, tự do lại dần nhen nhóm trong lòng Mị một cách chậm rãi, ấy rồi”Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết”. Nhưng A Sử chẳng năm nào cho Mị đi chơi, nó cứ bắt rịt Mị ở nhà. Nghĩ đến đấy, lại một nỗi đau khác trong lòng Mị bị cạy mở ra, cũng là nỗi đớn đau nhất cuộc đời mà Mị phải gánh chịu, những tưởng đã thành sẹo hóa ra đụng vào vẫn chảy máu. Mị bị ép gả cho A Sử, hai người sống với nhau mà không hề có một chút tình yêu, bản thân Mị phải từ bỏ tình yêu đầu đời của mình, còn A Sử lại là một kẻ vũ phu, chỉ biết ăn chơi. Nghĩ đến ấy, vốn cái ý định quyên sinh đã chết từ lâu nay lại bùng lên trong lòng Mị “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay. Chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Điều đó đã thể hiện một điều rằng tâm hồn ham sống, ham hạnh phúc của Mị đã dần thức tỉnh, Mị đã lại cảm thấy đớn đau, lại muốn tự giải thoát cuộc đời mình bằng một cách nào đó. Cô lại ý thức thật rõ ràng những đau khổ mà mình phải gánh chịu lần nữa, Mị đã nghĩ đến lá ngón bằng một sự phẫn nộ, uất ức đến tận cùng, là sự phản kháng mạnh mẽ, hòng tự cứu bản thân khỏi cái bể khổ mà mình đã phải gánh chịu biết bao nhiêu lâu nay. Đánh dấu sự sống lại của một tâm hồn vốn đã nguội lạnh, không quan tâm chuyện sống chết, từ đó mở ra cho tác phẩm cũng như nhân vật những hướng đi mới, những lối thoát và bước ngoặt mới mang tính quyết định.
Như vậy hình ảnh nắm lá ngón trở đi trở lại ba lần trong tác phẩm với những tầng ý nghĩa khác nhau không chỉ bộc lộ những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Mị mà còn mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc khi ngầm nói về cái sự độc hại của nền phong kiến thần quyền cường quyền đang thống trị vùng núi Tây Bắc. Mà ở đấy những con người như Mị đang phải hàng ngày chịu sự áp bức và những bi kịch không hồi kết, họ không thể nào tự thoát ra khỏi cái độc hại ghê gớm ấy, mà chỉ có thể bị động phản kháng bằng một nắm lá ngón, thế nhưng cuối cùng quyền quyết định có được ăn nó hay không cũng không nằm trong bàn tay của họ. Càng nghĩ lại càng đau đớn xót xa.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-hinh-tuong-nam-la-ngon-trong-tac-pham-vo-chong-a-phu-59403n.aspx Bài viết là một số những cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón xuất hiện trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Các em chú ý để có thể làm bài dễ dàng hơn nhé.