Bình luận câu nói sau đây: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả…

Đã kiểm duyệt nội dung

Đề bài: Bình luận câu nói sau đây: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả, anh cũng không làm được cái gì nếu mục đích tầm thường

binh luan cau noi sau day neu khong co muc dich anh khong lam duoc gi ca

I. Dàn ý Bình luận câu nói sau đây: Nếu không có mục đích…

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận.

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề nghị luận

– Giải thích các khái niệm: Mục đích, tầm thường.

– Giải thích nội dung ý nghĩa câu nói

b. Bàn luận, phân tích vấn đề nghị luận

– “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả”

+ Mục đích là đích đến mà con người mong muốn đạt được, tiếp thêm sức mạnh, động lực thúc đẩy con người vượt qua thử thách.

+ Mục đích giúp con người chủ động, nhiệt huyết để hoàn thành tốt mọi công việc.

+ Nếu không có mục đích, con người sẽ trở nên thụ động, dễ dàng cúi đầu, buông xuôi trước khó khăn và không thể thành công.

– “anh cũng không làm được cái gì nếu mục đích tầm thường”

+ Nếu có mục đích cao đẹp, con người sẽ xác định đúng phương hướng và trở thành những người hữu ích, biết cống hiến hết mình.

+ Nếu mục đích đặt ra tầm thường, con người sẽ đi sai hướng, có cách nghĩ thiển cận và có lối sống vị kỉ.

c. Bài học nhận thức và hành động

– Xác lập những mục đích đúng đắn.

– Kiên trì, bền bỉ vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành mục đích mình đã đặt ra.

3. Kết bài

Đánh giá nội dung giáo dục của vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân

II. Bài văn mẫu Bình luận câu nói sau đây: Nếu không có mục đích…

“Thứ quan trọng nhất trên thế giới không phải là ta đang đứng ở đâu, mà là ta đang hướng về đâu”. Câu nói của Oliver Wendell Holmes đã thể hiện sự đánh giá về tầm quan trọng của việc biết đặt ra mục tiêu, đích đến đối với cuộc sống của mỗi một con người. Bàn về vấn đề này, Đi- đơ- rô cũng từng đưa ra quan niệm tương tự: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả, anh cũng không làm được cái gì nếu mục đích tầm thường”. Câu nói trên đã khẳng định vai trò của mục đích, đặc biệt là những mục đích chân chính và phủ nhận giá trị của những mục đích tầm thường, tiêu cực.

Đọc thêm:
Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa

Như chúng ta đã biết, mục đích là yêu cầu, là kết quả cuối cùng và là đích đến mà con người đặt ra và mong muốn thực hiện được. Mục đích có thể được phân chia thành nhiều mục tiêu khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn của công việc. Mục đích bao gồm những điều tốt đẹp, tích cực, đúng đắn; nhưng mục đích cũng có thể là những điều xấu xa, tầm thường, ích kỉ. Giá trị tích cực hay tiêu cực của mục đích có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống của con người. Câu nói trên đã thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này: nếu có mục đích, con người sẽ làm được những điều có ý nghĩa và bước tới vạch đích, hoàn thành kế hoạch mình đã đặt ra; tuy nhiên, con người chỉ đạt được điều đó khi xác lập những mục đích tích cực, đúng đắn, bởi những mục đích “tầm thường” sẽ khiến con người thất bại và không thể đặt chân tới mảnh đất của sự thành công.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, nếu không đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể, con người sẽ không thể làm được điều gì có ý nghĩa, bởi mục đích là đích đến mà con người mong muốn đạt được, tiếp thêm sức mạnh, động lực thúc đẩy con người vượt qua thử thách. Bàn về vấn đề này, William Arthur Ward từng nói: “Những mục đích của ngày hôm nay có thể biến những thất bại của ngày hôm qua thành những quyết tâm của ngày mai”. Khi có mục đích cụ thể, rõ ràng, con người sẽ dễ dàng vượt qua những thất bại trong quá khứ để mạnh mẽ thực hiện kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, mục đích còn giúp con người chủ động, nhiệt huyết để hoàn thành tốt mọi công việc. Câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là minh chứng tiêu biểu cho điều này. Với lý tưởng cao cả là giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích nô lệ cùng ách áp bức đô hộ của thực dân, đế quốc, tại Bến cảng nhà Rồng, ngày 5 tháng 6 năm 1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Chỉ với hai bàn tay trắng, Người đã trải qua hành trình ba mươi năm bôn ba, học hỏi để thực hiện mục đích, lí tưởng của bản thân, đưa toàn thể nhân dân Việt Nam thoát khỏi những đêm dài nô lệ. Câu chuyện của Người là tấm gương ngời sáng thể hiện rằng: “Bạn bước vào cuộc đời này chẳng có gì, và mục đích cuộc đời chính là làm nên được điều gì đó từ hai bàn tay trắng” (Henry Louis Mencken). Như vậy, mục đích chính là động lực to lớn để thúc đẩy con người đến với sự thành công. Ngược lại, nếu không có mục đích, con người sẽ trở nên thụ động, dễ dàng cúi đầu, buông xuôi trước khó khăn và không thể thành công. Tuy nhiên, không phải bất cứ mục đích nào cũng giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách. Nếu đặt ra mục đích cao đẹp, con người sẽ xác định đúng phương hướng và trở thành những người hữu ích, biết cống hiến hết mình. Ngược lại, nếu mục đích đặt ra tầm thường, con người sẽ đi sai hướng, có cách nghĩ thiển cận và có lối sống vị kỉ và không thể tạo dựng những điều có ý nghĩa.

Đọc thêm:
Hoàn cảnh sáng tác bài Tiếng hát con tàu

Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần xác lập, những mục đích đúng đắn, tích cực theo lối sống vị tha, loại bỏ những mục tiêu tầm thường, thấp hèn. Đồng thời, kiên trì, bền bỉ vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành mục đích mình đã đặt ra giống như câu nói của William Arthur Ward: “Bốn bước dẫn tới thành tựu: Lên kế hoạch có mục đích. Chuẩn bị chuyên tâm. Tiến hành tích cực. Theo đuổi bền bỉ.”

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói đã thể hiện một quan điểm đúng đắn về ý nghĩa của mục đích đối với cuộc sống của mỗi một con người. Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần xác lập mục tiêu, mục đích học tập đúng đắn – học để phát triển bản thân và có những đóng góp, cống hiến tích cực cho xã hội, đồng thời kiên trì trên con đường chinh phục tri thức, bởi “Bí quyết của thành công là không thay đổi mục đích” (Tục ngữ Hàn Quốc).

https://thuthuat.taimienphi.vn/binh-luan-cau-noi-sau-day-neu-khong-co-muc-dich-anh-khong-lam-duoc-gi-ca-48259n.aspx Sau khi tìm hiểu xong nội dung bài Bình luận câu nói sau đây: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả, anh cũng không làm được cái gì nếu mục đích tầm thường, các em có thể tham khảo thêm: Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt..., Bình luận về câu nói: Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn lụi của tâm hồn, Bình luận về ý kiến: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn, Bình luận về câu nói: Luôn luôn hi vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn

Đọc thêm:
Bài văn tả cây cối lớp 5 hay, ngắn gọn

5/5 - (8621 bình chọn)

Chuyên Gia Thu Nhi

Chuyên Gia Thu Nhi PGS (2006), TS (2001, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM), Trưởng Bộ môn, kiêm Trưởng khoa Khoa Việt Nam học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học cổ cận đại VN, Văn học Nhật Bản, Văn học so sánh VN - Đông Á, Lý luận văn học cổ điển VN-TQ...

Bài viết liên quan

Back to top button